Phát triển nhiều loại hình giao thông
Theo định hướng đến năm 2040, thị xã Bến Cát phát triển theo 2 hướng chính: hành lang thương mại dịch vụ dọc quốc lộ 13 theo hướng Bắc - Nam và phát triển các khu đô thị - thương mại dịch vụ dọc đường Vành đai 4 TPHCM, theo hướng Đông - Tây. Thị xã được chia thành 6 khu vực phát triển, bao gồm: khu trung tâm hành chính - dịch vụ - công nghiệp (phường Mỹ Phước); khu đô thị dịch vụ - giáo dục - công nghiệp (với trung tâm tại phường Tân Định); khu đô thị công nghiệp và thương mại dịch vụ tại phường Hòa Lợi; khu đô thị công nghiệp - dịch vụ, đầu mối hạ tầng kỹ thuật với trung tâm tại phường Chánh Phú Hòa; khu đô thị công nghiệp - dịch vụ ở phía Tây với trung tâm tại xã An Điền. Trong đó, phân khu 6 là khu đô thị cảng, dịch vụ, nông nghiệp đô thị kết hợp du lịch ở phía Tây Nam với trung tâm ở xã An Tây, sẽ là trung tâm logistics lớn, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong bối cảnh hạ tầng dịch vụ này của tỉnh còn thiếu và yếu. Thị xã hướng đến đồng bộ các loại hình vận tải (đường sông, đường bộ, đường sắt) và đấu nối hệ thống giao thông kết nối vùng vào hệ thống cảng sông đang dần hình thành ở Bến Cát.
Theo đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung đến năm 2040, trước mắt, từ nay đến năm 2025, thị xã Bến Cát ưu tiên tập trung đầu tư hoàn chỉnh đường Vành đai 4 TPHCM, đường Vành đai Bắc Mỹ Phước - Nam Bàu Bàng và các tuyến đường trục chính đô thị theo hướng Đông Tây để giảm áp lực lưu lượng giao thông trên đường Vành đai 4 TPHCM; giúp mạng giao thông của khu vực phát triển đồng bộ, liên hoàn theo cả hướng Bắc Nam và Đông Tây, qua đó kết nối đô thị mới An Tây - An Điền với đô thị Mỹ Phước và kết nối về hướng đông với đô thị Thủ Dầu Một, Tân Uyên tạo thành hành lang kinh tế thương mại nổi bật nhất của tỉnh. Bên cạnh mạng lưới giao thông đường bộ, thị xã Bến Cát đang triển khai xây dựng cảng cạn ICD An Điền (quy mô 30ha ở khu vực phía Đông KCN Việt Hương 2), cùng các tuyến đường sông để đồng bộ mạng lưới vận tải, du lịch trên sông, hướng tới trở thành địa bàn đi đầu của tỉnh trong khai thác lợi thế sông Sài Gòn, sông Thị Tính cũng như tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh, đoạn qua địa bàn, trong đó có vị trí ga Chánh Lưu tại phường Chánh Phú Hòa.
Xây dựng khu nhà ở hỗn hợp
Hướng đến mục tiêu nâng cấp thị xã Bến Cát lên thành phố trực thuộc tỉnh, đảm bảo đáp ứng các chỉ tiêu của đô thị loại 2 vào năm 2025, Bến Cát sẽ phát triển các khu nhà ở hỗn hợp kiểu mẫu nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất dọc các trục đường chính như Vành đai 4 TPHCM, quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn, đường 7A, nhất là khu vực xung quanh trường Đại học Việt - Đức. Các khu này kết hợp chức năng ở với thương mại dịch vụ, trong đó ưu tiên đầu tư công trình hỗn hợp cao tầng tại các vị trí điểm nhấn đô thị, giao lộ của các tuyến trục chính đô thị. Trong khi đó, ở ven sông Sài Gòn và sông Thị Tính, sẽ ưu tiên xây dựng nhà ở mật độ thấp, giành không gian mở cho công viên cây xanh và bảo vệ hệ thống kênh rạch. Bên cạnh đó, Bến Cát cũng bố trí 81ha đất nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho nguời lao động, với quỹ đất bố trí từ nay đến năm 2030 là 42ha, đến năm 2040 khoảng 39ha.
Đáng chú ý, khu vực xung quanh trường Đại học Việt - Đức, hiện đã có nhiều nhà đầu tư phát triển đô thị trong và ngoài nước tìm hiểu, đặt văn phòng như công ty Toyota (Nhật Bản) và các hãng kinh doanh thời trang, công nghệ, khi vào hoạt động sẽ định hình bộ mặt đô thị hiện đại, có sức hút lớn trong thu hút đầu tư các ngành nghề có giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng đất đai.
Ông Trần Ngọc Cường, Phó Chủ tịch UBND thị xã Bến Cát, cho biết thêm: Từ nay đến năm 2025, Bến Cát ưu tiên phát triển các khu vực đô thị trong đó ưu tiên các các khu vực dọc đường Vành đai 4 TPHCM, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho khu đô thị phường Mỹ Phước, tập trung hoàn chỉnh các công trình văn hóa thể thao cấp đô thị ở phường Mỹ Phước, các công trình được xác định trong quỹ đất công ở An Tây, An Điền và ưu tiên nguồn lực đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở của người lao động, nhất là đối tượng thu nhập thấp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.