Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) gắn bó với công ty từ những ngày đầu gian khó. Bà không chọn con đường dễ là nhập khẩu hay phân phối, mà kiên định với việc xây dựng chuỗi giá trị khép kín - từ nông trại đến bàn ăn.
“Chúng tôi không đi nhanh, nhưng đi chắc. Mỗi bước đi đều đặt nền tảng cho sự phát triển lâu dài của ngành sữa Việt,” bà chia sẻ. Nhờ vậy, Vinamilk đã có mặt tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành một trong những thương hiệu Việt hiếm hoi có tầm ảnh hưởng khu vực.
Khác với thương hiệu mang tầm vóc quốc tế Vinamilk, bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Aki Food, đại diện cho một thế hệ doanh nhân trẻ, không giấu tham vọng đưa nông sản Việt trở thành lựa chọn thường xuyên của người tiêu dùng quốc tế. Bắt đầu từ sản phẩm trái cây sấy, bà và cộng sự xác định rõ hướng đi là “chất lượng trước, thị trường sau”.
“Muốn vào được các thị trường Nhật, châu Âu... không thể làm qua loa dù bất kỳ khâu nào, vùng trồng hay chế biến đến đóng gói. Mỗi đơn hàng là một bài học,” bà Thu chia sẻ. Hiện nay, sản phẩm của Aki Food đã có mặt ở nhiều quốc gia châu Á và đang tiếp cận thị trường châu Âu, mở ra cơ hội mới cho nông sản chế biến Việt Nam.
Ở lĩnh vực hóa mỹ phẩm, khi thị trường tràn ngập sản phẩm ngoại, nhiều người cho rằng những thương hiệu lâu đời như Công ty CP Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC) sẽ khó tồn tại. Nhưng bà Nguyễn Kim Thoa, Chủ tịch HĐQT SCC, nhìn nhận đó là cơ hội để làm mới mình.
“Chúng tôi không cạnh tranh bằng ngân sách quảng cáo, mà bằng cảm xúc, ký ức và sự an toàn. Miss Saigon không chỉ là chai nước hoa, đó là mùi hương gắn với ký ức người Việt,” bà nói.
Nhờ đổi mới bao bì, nâng cấp chất lượng và trung thành với hương liệu thiên nhiên, các sản phẩm của SCC hiện đã có mặt ở Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước châu Âu - điều tưởng như không thể với một thương hiệu nội địa truyền thống.
Còn với thương hiệu Nhựa Bình Minh, ông Nguyễn Hoàng Ngân, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Bình Minh, cho rằng, ngành nhựa tưởng như ít chỗ cho sáng tạo, nhưng đổi mới là điều bắt buộc nếu muốn tồn tại.
“Chúng tôi xác định phải tự làm chủ công nghệ, làm chủ thị trường, nhất là thị trường nội địa. Đó là con đường gian nan nhưng xứng đáng”, ông Ngân nói.
Nhựa Bình Minh đã đầu tư mạnh vào tự động hóa, nghiên cứu sản phẩm phù hợp với khí hậu và hạ tầng Việt Nam nhưng vẫn đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ đó, thương hiệu này không chỉ chiếm thị phần lớn trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều thị trường khu vực. Đến nay, dù thương hiệu này đã ít nhiều có sự tham gia đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng bản sắc riêng của Nhựa Bình Minh vẫn là điểm đến tin cậy của người Việt.
Họ không đơn thuần là doanh nhân mà còn là người giữ lửa. Điểm chung giữa họ là những nhà quản lý tài năng, là sự bền bỉ, kiên trì và niềm tin vào giá trị Việt. Nhờ những người như vậy, sản phẩm truyền thống của Việt Nam không chỉ sống sót mà còn vươn mình mạnh mẽ, trở thành niềm tự hào trên thị trường quốc tế.