CNN dẫn tuyên bố của ông Hale: “Tôi vinh dự tuyên bố, chúng tôi đang chuẩn bị trao đổi các đại sứ, bước tiếp theo trong tiến trình bình thường hóa quan hệ”. Tuy nhiên, ông Hale không tiết lộ về thời gian mà các đại sứ của 2 nước đã rút khỏi thủ đô của nhau từ năm 2008 có thể quay trở lại.
Tổng thống Lukashenko và hơn chục quan chức Belarus khác đã bị Mỹ trừng phạt vào năm 2006 sau một cuộc bầu cử tổng thống mà Bộ Ngoại giao Mỹ gọi là “vi phạm các quy tắc quốc tế, thiếu tự do và công bằng”. Để trả đũa, Chính phủ Belarus trục xuất đại sứ và 30 trong số 35 nhà ngoại giao Mỹ trong năm 2008, từ đó Mỹ không có đại sứ tại Belarus.
Thông báo trên theo sau cuộc họp của ông Hale trước đó với Tổng thống Lukashenko. Các quan chức cấp cao của 2 nước cũng có các cuộc họp thường xuyên hơn trong vài năm qua. Cuối tháng 8-2019, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ khi đó là ông John Bolton cũng đã có chuyến thăm Belarus và gặp Tổng thống Alexander Lukashenko. Nhà lãnh đạo nắm quyền Belarus trong 25 năm này bày tỏ mong muốn mở ra chương mới trong quan hệ hai nước và hy vọng hai bên sẽ có các cuộc trao đổi thẳng thắn về tất cả các vấn đề.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Hale nói thêm rằng, Washington “cũng hoan nghênh sự hợp tác ngày càng tăng của Belarus trong các vấn đề như không phổ biến vũ khí hạt nhân, an ninh biên giới, hợp tác kinh tế và chia sẻ thông tin về những vấn đề an ninh chung”.
Nga hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Belarus. Điện Kremlin cũng đang nỗ lực lập một căn cứ không quân ở Belarus sau khi NATO mở rộng sự hiện diện ở Đông Âu để ngăn chặn Nga.
Như vậy, Belarus trở thành vị trí chiến lược của cả Nga và NATO. Theo các nhà phân tích Mỹ, chính sách trừng phạt của Mỹ với Belarus trong 11 năm qua không mang lại hiệu quả nào ngoài việc đưa Belarus gần hơn với Nga. Vì vậy, giờ đây Washington buộc phải thay đổi chiến lược bằng cách lôi kéo Belarus gần hơn với Mỹ về mặt ngoại giao, kinh tế, chính trị và quân sự. Tổng thống Lukashenko cho biết “hài lòng” khi thấy Washington sau cùng đã chuyển sự chú ý của mình sang Belarus.
Tuy nhiên, để tỏ rõ Belarus không dựa hẳn vào nước nào, ông Lukashenko cho biết thêm sẽ không cho phép các tên lửa tầm trung được triển khai tại Belarus sau sự sụp đổ của Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mang tính bước ngoặt giữa Moscow và Washington. Theo Tổng thống Belarus, điều đó sẽ làm phức tạp thêm tình hình ở châu Âu.
Hiện tại, Belarus đang hưởng lợi từ việc mua dầu thô Nga với giá chiết khấu và xuất khẩu các sản phẩm dầu tinh lọc theo giá thị trường, thu được lợi nhuận đáng kể. Moscow đang thực hiện các bước để tăng giá dầu thô mà họ bán cho Belarus như là một phần của đợt gia tăng nguồn thu từ năng lượng. Đáp lại, Belarus đã thuê một công ty có trụ sở tại Washington để giúp vận động Nhà Trắng chấm dứt các lệnh trừng phạt để có thể nhập khẩu dầu thô của Mỹ. Mỹ hiện tạm thời đình chỉ các lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Belarus vào năm 2015 sau khi Minsk cho phép các nhà quan sát bầu cử vào nước này.