Bế tắc đầu ra thanh long VietGAP

Nhằm hướng tới thị trường tiêu thụ rộng lớn và tạo uy tín cho trái thanh long, 8 năm qua, tỉnh Bình Thuận sản xuất loại trái cây này theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam). Thế nhưng, do quá trình triển khai thiếu đồng bộ nên đầu ra loại nông sản sạch này bị bế tắc, giá cả bấp bênh khiến người dân không còn mặn mà.

 

 

Thanh long VietGAP bị đánh đồng với thanh long thường
Thanh long VietGAP bị đánh đồng với thanh long thường
 Bỏ của chạy lấy người

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, tính đến thời điểm hiện tại, địa phương đang có hơn 27.500ha trồng cây thanh long, chiếm hơn 63% diện tích và hơn 68% sản lượng cả nước. Năm 2009, để đáp ứng yêu cầu thị trường và phát triển bền vững cây thanh long, UBND tỉnh Bình Thuận triển khai việc sản xuất thanh long theo hướng an toàn thông qua việc áp dụng và chứng nhận VietGAP. Đến nay, diện tích thanh long được chứng nhận VietGAP là hơn 7.900ha, với hơn 9.000 hộ nông dân tham gia và hình thành được gần 400 tổ hợp tác, nhóm liên kết, trang trại. Tuy nhiên, ông Phạm Hữu Thủ, Trưởng phòng Nông nghiệp Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, thừa nhận diện tích thanh long VietGAP của tỉnh đang có chiều hướng giảm mạnh, nhiều hộ không tham gia nữa. 
Thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long Bình Thuận cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2017, hàng loạt nơi trồng thanh long trọng điểm của địa phương như xã Hồng Liêm, Hàm Trí, Hàm Phú, Thuận Minh (huyện Hàm Thuận Bắc) và nhiều xã của TP Phan Thiết, huyện Hàm Tân và thị xã La Gi… không có diện tích nào được đánh giá chứng nhận VietGAP. Nói về nguyên nhân khiến người dân ngày càng quay lưng với thanh long VietGAP, ông Võ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, thẳng thắn: “Nông dân rất có ý thức trong việc hướng tới nền sản xuất nông nghiệp sạch, nhưng do giá của thanh long VietGAP bao năm qua vẫn bán bằng giá thanh long thường nên bà con đang từ bỏ dần hình thức sản xuất này”.

Đã tham gia sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP được 3 năm, bà Lê Thị Khiết (ngụ huyện Hàm Thuận Bắc) chia sẻ: “Làm thanh long VietGAP đòi hỏi tốn công, tốn chi phí, nhưng khi bán ra vẫn bằng giá thanh long thường thì sao chúng tôi làm được? Chưa kể thanh long sạch do ít dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nên trái thường nhỏ, tai trái không được đẹp nên thương lái thường chê, có lúc họ không thu mua. Năm nay tôi không tái đăng ký chứng nhận VietGAP nữa, mà quay về sản xuất theo phương thức truyền thống”. Còn ông Lê Văn Nghĩa (ngụ xã Hàm Phú, huyện Hàm Thuận Bắc) bày tỏ: “Khi đăng ký tham gia sản xuất thanh long VietGAP, chúng tôi tin tưởng là sẽ bán được giá cao, nhưng khi cây cho trái thì tìm đỏ mắt cũng không có chỗ nào mua thanh long sạch. Cuối cùng, chúng tôi phải gọi thương lái vào để bán cho họ bằng với giá thanh long thường”. Một số người trồng thanh long ở các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân cũng cho rằng khi triển khai chương trình, ngành chức năng địa phương dường như đã “quên” mất khâu tiêu thụ, bỏ mặc thanh long VietGAP bị đánh đồng với thanh long thường, khiến người dân chưa có niềm tin.

Cần có cơ chế riêng

Ông Phạm Hữu Thủ cho biết, hiện hơn 80% sản lượng thanh long của tỉnh Bình Thuận chủ yếu xuất khẩu qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Thị trường này hiện chưa đòi hỏi về hàng hóa sản phẩm an toàn, nên các doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến việc thu mua thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, trong thời gian tới, theo xu thế thế giới, nếu thị trường Trung Quốc bất ngờ đưa ra yêu cầu nào đó về vệ sinh an toàn thực phẩm mà trái thanh long không đáp ứng được thì chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Do vậy, việc chủ động sản xuất thanh long theo hướng an toàn đang là nhu cầu cấp thiết. 

“Người dân chúng tôi làm thanh long VietGAP không khó, nhưng nếu tiếp tục làm thì thanh long VietGAP bán ở đâu? Giá như thế nào? Vấn đề này dường như chưa ai quan tâm đến. Tôi thấy chúng ta đang cầm đèn chạy trước ô tô”, bà Lê Thị Khiết băn khoăn. Chủ một doanh nghiệp thu mua thanh long ở tỉnh Bình Thuận cũng thừa nhận, doanh nghiệp hay cơ sở thu mua hiện chỉ cần trái thanh long đáp ứng đủ theo yêu cầu phía bạn hàng là trái to, căng, tai xanh, chứ không cần sạch hay không sạch. Mặc dù Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận đã nhiều lần chỉ đạo Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở thu mua liên kết với các tổ sản xuất thanh long VietGAP thu mua ổn định loại nông sản này cho bà con, nhưng do không có bất kỳ cơ chế hay sự hỗ trợ nào nên chưa bên nào quan tâm thực hiện.

Để giải bài toán đầu ra cho thanh long VietGAP, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cho rằng: “Trước mắt, cần có quy định ưu tiên thu mua thanh long VietGAP, từ đó người dân sẽ tự nguyện tham gia vì được đảm bảo đầu ra. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người dân trồng thanh long VietGAP với giá cao hơn 2.000 đồng so với thanh long thường. Có như vậy mới nâng cao giá trị cho nông sản sạch, kích thích người dân tham gia”.

Tin cùng chuyên mục