Bế tắc cấp sổ hồng nhà, đất - Bài 1: Ngưng cấp sổ hồng vì… chủ đầu tư “dính” án

Thời gian qua, rất nhiều người dân ở TPHCM bức xúc vì mua nhà, nền đất, căn hộ dự án hàng chục năm qua vẫn chưa được cấp sổ hồng. Mỗi trường hợp đều có hàng chục văn bản hướng dẫn, công văn trả lời của các cơ quan chức năng nhưng việc cấp sổ hồng vẫn rơi vào bế tắc.

LTS: Tính từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, TPHCM đã thực hiện 335 dự án với hơn 191.000 sản phẩm nhà ở. Mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng, nhưng đến nay, gần 40.000 nhà, đất trên địa bàn TPHCM vẫn “đứng hình”. Điều trớ trêu là, nhà có thật, người ở thật, mua bán thật nhưng lại chưa được cấp giấy chủ quyền!

Dự án bị điều tra

Khu dân cư (KDC) Hiệp Bình Chánh nằm trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức (TPHCM), được xem là khu đô thị cao cấp với khá nhiều nhà cao tầng, biệt thự san sát nhau. Nhưng gần 20 năm qua, KDC này còn hơn 300 căn nhà chưa được cấp sổ hồng.

G1a.jpg
Chung cư Khang Gia Gò Vấp được đưa vào sử dụng nhiều năm qua nhưng cư dân vẫn chưa có sổ hồng

Là chủ nhân căn biệt thự nằm trên đường số 14, anh M.C. cho biết, lâu nay luôn trông ngóng được cấp sổ hồng để thực hiện giao dịch đất đai nhưng chờ mãi vẫn không thấy đâu. Anh C. kể, mua đất dự án từ năm 2010, một năm sau anh xây nhà. Xây xong, cả gia đình chuyển về sinh sống đến nay. Với ngần ấy năm, anh và nhiều người dân thuộc dự án đã có rất nhiều đơn gửi các cơ quan chức năng yêu cầu can thiệp, gỡ vướng nhưng vẫn không có tiến triển gì.

Theo tìm hiểu, dự án KDC Hiệp Bình Chánh được các cơ quan chức năng phê duyệt vào năm 2001 do Công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây dựng K&N (sau này đổi tên thành Công ty cổ phần đầu tư Đại Hải - Công ty Đại Hải) làm chủ đầu tư (CĐT). Tiếp đó, Công ty K&N và chi nhánh Tổng công ty Sông Đà tại TPHCM ký hợp đồng hợp tác kinh doanh. Dù đã ký hợp đồng góp vốn và giao nền đất cho khách hàng nhưng CĐT lại ủy quyền cho người khác đem đi thế chấp ngân hàng. Chưa dừng lại, có những lô đất bị CĐT làm sổ sang tên cho nhiều người, rồi người đó lại đem thế chấp ngân hàng.

Năm 2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngô Xuân Trường, Giám đốc Công ty Đại Hải về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, ông Trường lẽ ra có trách nhiệm hoàn tất thủ tục tách thửa, sang tên cho các cá nhân đã mua đất tại dự án KDC Hiệp Bình Chánh nhưng không thực hiện mà tiếp tục ký hợp đồng mua bán, sang tên cho các cá nhân khác để làm thủ tục thế chấp ngân hàng.

Tiếp tục điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan dự án KDC Hiệp Bình Chánh, tháng 6-2023, ông Lưu Quang Lãm (từng làm Chủ tịch HĐQT Công ty Đại Hải) cũng bị khởi tố về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”… Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, chia sẻ, việc cấp sổ hồng tại KDC Hiệp Bình Chánh đang bị vướng khi có văn bản của cơ quan điều tra yêu cầu ngưng giải quyết, do liên quan đến vụ án hình sự.

Tương tự, cư dân chung cư Tín Phong, quận 12, gần 10 năm nay cũng mong ngóng được cấp sổ hồng. Ông Lê Thành Công, Trưởng Ban quản trị chung cư Tín Phong, thông tin, chung cư do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Xây dựng Tín Phong (Công ty Tín Phong) làm CĐT, đưa vào sử dụng từ tháng 8-2015. Trước đây, chung cư có một số hạng mục xây dựng sai phép, sau đó từ hướng dẫn của các sở ngành, các hạng mục xây sai phép được xử lý hoàn tất.

Sở TN-MT TPHCM cũng đã có thông báo là chung cư đủ điều kiện cấp sổ hồng, nhưng đến nay hơn 400 hộ vẫn chưa được nhận sổ. Về nguyên nhân, theo ông Công là do Công ty Tín Phong và một công ty khác chưa “ngồi lại” với nhau để giải quyết tranh chấp theo hướng dẫn của tòa án, và do có văn bản của cơ quan điều tra Bộ Công an yêu cầu giữ nguyên hiện trạng đối với một số tài sản có liên quan đến bà Châu Thị Mỹ Linh, đại diện pháp luật của Công ty Tín Phong.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty Tín Phong cũng thừa nhận việc chậm cấp sổ hồng cho cư dân do 2 nguyên nhân nói trên. Sắp tới, công ty sẽ có buổi làm việc với đối tác để giải quyết những vướng mắc chung. Tuy nhiên, do văn bản yêu cầu giữ nguyên tình trạng pháp lý của chung cư, nên các cư dân vẫn phải chờ cơ quan điều tra giải quyết.

“Cắm” sổ ngân hàng

Năm 2016, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển địa ốc Khang Gia (Công ty Khang Gia) làm CĐT xây dựng dự án chung cư Khang Gia Tân Hương, tọa lạc tại đường Tân Hương, quận Tân Phú. Bán xong các căn hộ cho cư dân, CĐT đã tự ý chia nhỏ tầng thương mại thành 71 căn và xây dựng một số hạng mục không phép khác. Tất cả những căn này được tung ra thị trường và khách hàng đã mua, vào ở ổn định. Dù vậy, 71 căn hộ này không nằm trong quy hoạch là căn hộ để ở mà thuộc phần trung tâm thương mại.

H5f.jpg
Một góc khu dân cư Hiệp Bình Chánh, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức

Trước sai phạm trên, UBND TPHCM giao công an điều tra, xác minh việc ngăn chia tầng thương mại thành các căn hộ, chuyển nhượng bất hợp pháp tại chung cư; đồng thời yêu cầu Sở Xây dựng, UBND quận Tân Phú xử lý những vấn đề về xây dựng không phép. Cuối năm 2020, Công an TPHCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trịnh Minh Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Khang Gia về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Chưa hết bàng hoàng vụ CĐT bị vướng vòng lao lý, thì đến năm 2022, cư dân càng tá hỏa khi nghe tin một ngân hàng thông báo “siết” chung cư để thu hồi nợ mà Công ty Khang Gia đã thế chấp, vay tiền trước đó. Ông Mai Văn Sơn, đại diện Ban Quản trị chung cư Khang Gia Tân Hương, bức xúc: “Nhiều năm qua, ban quản trị đã gửi đơn cầu cứu từ quận đến thành phố, các cơ quan trung ương nhưng việc cấp sổ hồng vẫn bế tắc. Người dân không biết phải làm sao bởi không thể liên lạc được với CĐT, còn các cơ quan chức năng cũng không hướng dẫn gì”.

Trong khi đó, chung cư Khang Gia Gò Vấp (quận Gò Vấp) cũng do Công ty Khang Gia làm CĐT, đến nay sau hàng chục năm vào ở, cư dân vẫn chưa được cấp sổ hồng. Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Quản trị chung cư Khang Gia Gò Vấp, cho biết, chung cư gồm 3 khối với hơn 1.100 căn hộ cùng các dãy nhà liên kế, được đưa vào sử dụng từ năm 2013.

Trong quá trình thực hiện dự án, CĐT đã có nhiều sai phạm xây dựng như: lấy diện tích nhà sinh hoạt cộng đồng xây những căn hộ để bán; tự ý thay đổi khu vực thương mại dịch vụ, giữ xe của tòa nhà sang kiốt, nhà ở; hệ thống thang bộ thoát hiểm theo chứng nhận thẩm duyệt tiêu chuẩn là cấp N3, nhưng tự điều chỉnh sang cấp N2 không đúng kỹ thuật nên chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy…

“Nhiều năm qua, cư dân chung cư này đã có hàng chục lá đơn gửi đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp giải quyết vấn đề cấp sổ hồng nhưng vẫn chưa có hướng ra. Theo công văn trả lời của Sở TN-MT TPHCM, muốn thực hiện việc cấp sổ hồng thì CĐT phải thực hiện một số thủ tục và khắc phục sai phạm. Trong khi đó, sở này cũng khẳng định, CĐT đã không còn tồn tại địa chỉ kinh doanh nên chưa có cơ sở giải quyết. Sở TN-MT cũng đề nghị các cơ quan liên quan có ý kiến, rà soát, xem xét xử lý vi phạm nhưng đến nay chưa có thông tin. Chúng tôi đọc trên báo thì thấy thông tin về CĐT rối mù, đó là cơ quan công an phát lệnh truy nã tổng giám đốc công ty, bị nêu tên nợ thuế. Bây giờ, chúng tôi không biết phải làm sao?”, ông Dũng chua xót nói.

Ông TRẦN VĂN BẢY, Chánh Thanh tra TPHCM:

Đề xuất cơ quan thẩm quyền tháo gỡ

Việc chậm cấp sổ hồng cho các dự án nhà ở, căn hộ đã được đưa vào sử dụng là do liên quan đến nguồn gốc pháp lý đất đai, quá trình xây dựng, thực hiện nghĩa vụ của chủ đầu tư… dẫn đến người dân không được cấp sổ hồng, gây bức xúc. Tôi đã đề nghị các phòng nghiệp vụ của Sở TN-MT TPHCM tham mưu Ban Giám đốc Sở TN-MT, tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn TPHCM, báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM và các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ. Những vấn đề cấp bách cần chủ động triển khai từng bước, tháo gỡ cho các dự án trong thời gian tới.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục