Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, đánh giá hội thảo đã chỉ ra những tiềm năng to lớn của biển và đại dương, đề xuất nhiều cơ chế và ý tưởng hợp tác sáng tạo để hiện thực hóa tiềm năng của biển.
Ông Nguyễn Hùng Sơn nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì môi trường hòa bình, tăng cường đối thoại, hợp tác để tăng cường hiệu lực của luật pháp quốc tế, các cơ chế hợp tác đa phương, giảm bớt các hành động đơn phương, qua đó “thu hẹp vùng biển xám”…
Trong ngày làm việc thứ hai, 26-10, hội thảo đã có 4 phiên thảo luận chính. Trong phiên 5 “Vai trò của Cảnh sát biển trong tăng cường hợp tác ở Biển Đông”, các ý kiến đều nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao cảnh sát biển; cho rằng các nước nhỏ và vừa nên đẩy mạnh hợp tác, tương tác với nhau, hành động nhất quán, đoàn kết dựa trên luật pháp quốc tế để tạo sức mạnh tập thể, trong đó có khuyến nghị thể chế hóa diễn đàn cảnh sát biển ASEAN…
Tại phiên 6 “Thời điểm quyết định: Năng lượng truyền thống hay năng lượng tái tạo?”, các học giả đã trình bày về việc phát triển điện gió ngoài khơi, chuyển đổi năng lượng và khai thác tài nguyên đất hiếm.
Điểm nhấn trong phiên 8 “Tiếng nói của thế hệ kế cận” là 5 diễn giả trẻ từ Australia, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Tổ chức quốc tế Quản lý tổng hợp bền vững biển Đông Á (PEMSEA) đã thảo luận về những lo ngại của thế hệ trẻ trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông; đồng thời chia sẻ một số ý tưởng, đề xuất để đạt được một Biển Đông hòa bình, ổn định và thịnh vượng…