Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến về giới thiệu nhân sự lãnh đạo một số cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 để Bộ Chính trị chính thức giới thiệu Quốc hội bầu, phê chuẩn theo quy định.

Chiều 24-1, sau gần 2 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, hiệu quả, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành nhiều nội dung công việc.

Be mac HNTW 4.jpg
Quang cảnh phiên bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, chiều 24-1, tại Hà Nội. Ảnh: VIẾT CHUNG

Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao với Báo cáo tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW và phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Bộ Chính trị xác định sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là một cuộc cách mạng.

Vì vậy, Trung ương yêu cầu các bộ, ban, ngành, đơn vị, địa phương phải có quyết tâm chính trị rất cao, thực hiện đồng bộ các biện pháp trên cơ sở kế thừa kết quả đạt được sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW; nhất là những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm được Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW rút ra, để đẩy mạnh cuộc cách mạng này nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước và đòi hỏi của nhân dân trong kỷ nguyên mới.

Be mac HNTW 1.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Trên cơ sở kết luận tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị các cơ quan khẩn trương thể chế hóa để triển khai việc sắp xếp các cơ quan Đảng, Quốc hội, MTTQ Việt Nam, Chính phủ cùng với việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, hoàn thành trong quý 1-2025. Khẩn trương triển khai Đề án tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy công an địa phương theo mô hình 3 cấp (bộ, tỉnh, xã) không tổ chức công an cấp huyện. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện sắp xếp, cơ cấu lại các cơ quan thanh tra, bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, báo cáo Bộ Chính trị xem xét quyết định.

Quá trình triển khai sắp xếp tổ chức, bộ máy mới cần bảo đảm mọi hoạt động của các cơ quan, tổ chức diễn ra liên tục, không ngắt quãng, không ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của người dân và doanh nghiệp; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức bị tác động, ảnh hưởng do sắp xếp tổ chức bộ máy. Đồng thời, làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện, phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân vì sự phát triển chung của đất nước.

Nghiên cứu cơ chế tạo việc làm cho người lao động tại khu vực nhà nước chuyển sang làm việc tại các khu vực ngoài nhà nước nhằm đảm bảo quyền lao động cho mọi công dân trong độ tuổi lao động. Có kế hoạch tạo việc làm cho những thanh niên sau khi họ hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an trở về địa phương. Phấn đấu để mọi công dân trong độ tuổi lao động đều tham gia lao động, tạo ra của cải vật chất cho xã hội.

Be mac HNTW 6.jpg
Các đại biểu dự phiên bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất với các Đề án bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên và tăng trưởng giai đoạn 2026-2030 liên tục đạt 2 con số. Đây là những mục tiêu phải phấn đấu thực hiện để đất nước thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội, cán bộ, đảng viên tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, khơi thông, giải phóng mọi nguồn lực, tận dụng mọi cơ hội, khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh và bền vững. Tập trung đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về thể chế vì đó là “đột phá của đột phá” và thực hiện tốt các giải pháp trọng tâm, cấp bách.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật; có cơ chế chính sách ưu tiên giải quyết các nguồn lực bị lãng phí; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân; thu hút vốn FDI có chọn lọc; tập trung hoàn thiện đồng bộ hạ tầng chiến lược; tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu các cơ quan phải triển khai ngay, không được để xã hội đang “kỳ vọng” trở thành “thất vọng”; chủ động triển khai các giải pháp toàn diện, đồng bộ về kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao... để thúc đẩy thương mại công bằng, hài hòa, bền vững với Hoa Kỳ, Trung Quốc, ASEAN, EU và các đối tác lớn của Việt Nam.

Be mac HNTW 2.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất với báo cáo kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2024. Trung ương đánh giá cao tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, cầu thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong tổ chức kiểm điểm, phê bình và tự phê bình.

Khẳng định Bộ Chính trị, Ban Bí thư là một tập thể bản lĩnh, đoàn kết, thống nhất cao về ý chí và hành động, tất cả vì mục tiêu chung của Đảng, của đất nước, của dân tộc; có khát vọng lớn, tầm nhìn xa, có tư duy đổi mới, sát với thực tiễn với nhiều nội dung chỉ đạo mang tính đột phá, qua đó đã tăng hiệu ứng tích cực và lan tỏa niềm tin trong toàn xã hội về kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.

Thông qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ngày càng được củng cố, lòng tin của nhân dân vào Đảng ngày càng vững chắc, uy tín quốc tế của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng lan tỏa.

Be mac HNTW 3.jpg
Quang cảnh phiên bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung 3 đồng chí tham gia Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; bầu kiện toàn chức danh Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và bầu bổ sung 1 đồng chí tham gia Bộ Chính trị, 1 đồng chí tham gia Ban Bí thư với số phiếu tín nhiệm gần như tuyệt đối; đồng thời đồng ý cho 1 đồng chí thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương vì vi phạm kỷ luật Đảng.

Trung ương thống nhất với phương án của Bộ Chính trị về giới thiệu, bố trí cán bộ các cơ quan sau khi sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy mới. Việc kiện toàn Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bổ sung ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ góp phần tăng cường sức mạnh lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời chuẩn bị một bước cho nhân sự Đại hội XIV của Đảng sắp tới.

Phương án giới thiệu nhân sự đã được Trung ương cho ý kiến là cơ sở quan trọng để Bộ Chính trị chính thức giới thiệu các cơ quan nhà nước bầu, phê chuẩn theo quy định, góp phần bảo đảm tổ chức bộ máy mới hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn tới.

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị, ngay khi hội nghị bế mạc, các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình khẩn trương nghiên cứu, quán triệt các nội dung đã được Trung ương thông qua để xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt, nói đi đôi với làm.

Be mac HNTW 7.jpg
Các đại biểu dự phiên bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: VIẾT CHUNG

* Trước khi diễn ra phiên bế mạc, ngày 24-1, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII làm việc tại hội trường.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ điều hành thảo luận các nội dung:

1. Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW (ngày 25-10-2017) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;

2. Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2024;

3. Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên;

4. Đề án bổ sung báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030 với mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2026-2030 đạt hai con số liên tục trong các năm.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư họp cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình các ý kiến thảo luận của Trung ương tại hội nghị. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Bộ Chính trị trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị đối với ý kiến của Trung ương về: Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2024.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị đối với ý kiến của Trung ương về: Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên và Đề án bổ sung báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030 với mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2026-2030 đạt hai con số liên tục trong các năm.

Be mac HNTW 5.jpg
Quang cảnh phiên bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, chiều 24-1, tại Hà Nội. Ảnh: VIẾT CHUNG

Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến và thông qua nội dung tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị; cho ý kiến về giới thiệu nhân sự lãnh đạo một số cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 để Bộ Chính trị chính thức giới thiệu Quốc hội bầu, phê chuẩn theo quy định.

Ban Chấp hành Trung ương thông qua Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Tin cùng chuyên mục