Đường hoa năm nay với chủ đề “Khát vọng vươn cao”, có tổng chiều dài 720m, trong đó gồm nhiều đại cảnh, tiểu cảnh được sắp đặt uyển chuyển, khéo léo. Cụm linh vật bên tay trái cổng đường hoa được khắc họa lấy cảm hứng từ chú chó Phú Quốc, với tính cách nổi bật nhanh nhẹn, thông minh, gan dạ. Đảo gia đình linh vật bên phải mang ý nghĩa sum vầy với hình ảnh những chú chó quen thuộc được nuôi dưỡng trong gia đình, thân thiện và hiền lành.
Ngay sau cổng đường hoa là đại cảnh “Xuân sum vầy” với những hình ảnh quen thuộc trong ngày tết cổ truyền dân tộc như câu đối, bánh chưng, bánh tét, dưa hấu đỏ… Đường hoa năm nay có hàng trăm loại hoa trong nước cũng như ngoại nhập cùng nhau khoe sắc, thể hiện khát vọng vươn lên của TPHCM, thu hút du khách đến vui chơi, tham quan nhân dịp xuân về.
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Mậu Tuất 2018. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Tối 19-2, Đường sách tết TPHCM cũng chính thức bế mạc, khép lại 7 ngày hoạt động. Theo ước tính của ban tổ chức Đường sách tết, đã có khoảng gần 800.000 lượt du khách, bạn đọc đến với đường sách năm nay. Đường sách tết năm nay với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Khát vọng vươn cao” tập trung chủ yếu vào các hoạt động triển lãm, trưng bày giới thiệu sách, báo, giảm bớt các hoạt động giao lưu, tổ chức sự kiện.
Đây là điểm khác biệt so với mọi năm do các hoạt động này được phân bố tổ chức tại Đường sách TPHCM (trên đường Nguyễn Văn Bình). Nhờ cách phân bố này, theo đánh giá của du khách, Đường sách tết năm nay thông thoáng, rộng rãi, tạo thuận lợi cho việc di chuyển thưởng thức hình ảnh tư liệu, sách báo hơn thay vì bị nghẽn bởi các hoạt động giao lưu.
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Mậu Tuất 2018. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Cũng theo đánh giá của ban tổ chức, nhờ cách bài trí, sắp xếp mới mà khu vực triển lãm hình ảnh tư liệu thu hút được đông đảo du khách hơn hẳn so với mọi năm như khu trưng bày tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu tư liệu về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân…
Khu vực đón nhận đông đảo du khách chụp ảnh selfie được ưa thích nhất ở Đường sách tết năm nay là khu trưng bày biểu tượng cột mốc chủ quyền biển đảo với tỷ lệ gần sát với nguyên bản trên đảo Trường Sa thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Nếu Đường sách tết năm nay thành công với các triển lãm thì Đường sách TPHCM lại ghi dấu ấn với các hoạt động giao lưu văn hóa. Nổi bật trong đó là cuộc thi đối thơ lần đầu tiên được tổ chức, cuộc thi đã thu hút gần 1.000 bài dự thi từ khắp cả nước, trong đó có hơn 500 bài thi tại chỗ và khoảng trên 400 bài thi qua website.
Hình thức đối thơ khá đơn giản, ban tổ chức ra sẵn một vế (vế ra), bạn đọc đối lại bằng 1 vế (vế đối). Theo ban tổ chức, lượng bạn đọc tham gia đến từ khắp mọi miền đất nước, từ Thanh Hóa, Hưng Yên, Quảng Bình, Đắk Lắk đến Bến Tre, Long An, Bình Dương… nhiều nhất là tại TPHCM và một điều đặc biệt là bạn đọc tham gia chủ yếu là bạn đọc trẻ.