Thiệt hại “khủng”
Mới đây, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với TAND tối cao tổ chức hội thảo “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI”. Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian qua, tình trạng vi phạm chính sách pháp luật đất đai diễn ra phổ biến, phức tạp, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai chưa được cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm kịp thời, xử lý dứt điểm.
Nguyên nhân là ý thức chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân chưa đầy đủ, chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức lợi dụng chức quyền tham ô, tham nhũng, sách nhiễu, lợi ích nhóm.
Sự việc nóng hổi mới diễn ra, hàng loạt cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương “bị dính” trong vụ án bán rẻ 43ha đất của Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty 3-2). Mặc dù chưa đưa ra xét xử 28 bị can liên quan, nhưng cáo buộc của cơ quan công tố cho thấy, cựu lãnh đạo tỉnh đã ký giao khu đất 43ha và 145ha cho Tổng Công ty 3-2 theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, việc áp dụng đơn giá từ năm 2006 để thu tiền sử dụng đất đối với Tổng Công ty 3-2 đã gây thất thoát tài sản nhà nước hơn 761 tỷ đồng. Không dừng lại đó, các cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã hợp thức hóa trái quy định việc chuyển nhượng 43ha đất và 30% cổ phần của Nhà nước sang tư nhân, gây thiệt hại của Nhà nước hơn 984 tỷ đồng…
Bịt “lỗ hổng”
Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết lĩnh vực đất đai là một hoạt động sôi nổi bậc nhất trong nền kinh tế thị trường. Điều đó dẫn tới những cá nhân “thèm khát” nguồn lực đất đai của Nhà nước, tìm cách vạch ra “lỗ hổng” từ chính sách pháp luật để thực hiện ý đồ chiếm đoạt, thu lợi kếch xù.
Theo TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), thực tiễn thi hành Luật Đất đai qua công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo cho thấy những vi phạm phổ biến như: giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá gây thất thu ngân sách; việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và các cơ sở nhà đất chưa phù hợp các quy định của Luật Đất đai và các quy định về đấu giá tài sản nhà đất; xác định giá đất khi giao, cho thuê đất còn để xảy ra vi phạm, xác định giá thu tiền sử dụng đất chưa sát với giá thị trường, chưa thực hiện đúng các phương pháp xác định giá theo quy định…
Tôi đã nhiều lần nhắc lại câu nói của Các Mác rằng: “Lao động là cha, đất đai là mẹ của của cải vật chất”; nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em vì đất... Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai. Vì vậy, việc tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về đất đai lần này là một yêu cầu cần thiết nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. (Trích bài phát biểu của Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG khai mạc Hội nghị Trung ương 5, ngày 4-5-2022) |
Hiện nay trong quản lý nhà nước về đất đai, đang có sự chồng chéo, mâu thuẫn và không thống nhất giữa Luật Đất đai 2013 với các luật chuyên ngành (Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Lâm nghiệp, Luật Tố tụng hành chính). Sự mâu thuẫn và chồng chéo là những “kẽ hở” để tội phạm lợi dụng trục lợi về đất đai.
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT: Xóa ngay tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” Tham nhũng đất công, lãng phí sử dụng đất đai xảy ra thời gian qua, một phần là do Hiến pháp và Luật Đất đai quy định, Nhà nước có 2 chức năng: quản lý đất đai và quyết định đất đai. Quy định là đúng nhưng vấn đề là tổ chức như thế nào để Nhà nước thực hiện được 2 chức năng này mà không gây ra những hệ lụy. Các địa phương xảy ra tình trạng tham nhũng đất công, vì sao vậy? Là vì Nhà nước, ở đây là UBND tỉnh, vừa làm nhiệm vụ quản lý, vừa làm nhiệm vụ quyết định đất công ấy đưa cho ai. Với cơ chế này, Nhà nước vừa đá bóng vừa thổi còi. Vậy thì phải tổ chức lại thể chế, tức là ông trọng tài là ông khác, ông quyết định về đất đai là ông khác; hai ông đó không được trùng với nhau nhưng vẫn là cơ quan Nhà nước. Ví dụ, UBND tỉnh, UBND huyện vẫn thực hiện chức năng đại diện cho sở hữu toàn dân, quyết định đất này làm gì, đất kia làm gì; đất này giao cho ai, đấu giá ở đâu… Còn chức năng quản lý nhà nước về đất đai thì giao cho một hệ thống thống nhất, do trung ương quản lý, sẽ tách rời khỏi chức năng giao đất, cho thuê đất mà địa phương đang nắm giữ. TRUNG LƯƠNG ghi |