Thời gian gần đây, nhiều bạn đọc gọi đến đường dây nóng của Báo SGGP phản ánh một số đối tượng bán các loại xe máy không giấy tờ với giá siêu rẻ, nhằm chiếm đoạt tiền đặt cọc.
Ngoài chiêu trò rao bán thanh lý xe nhập lậu, xe trộm cắp, gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều lời rao bán các loại xe máy không giấy tờ. Loại xe này thường rao bán với giá rất rẻ, thậm chí chỉ bằng 1/10 so với các loại xe tương đương có đầy đủ giấy tờ.
Nhiều lời chào mời, giới thiệu hấp dẫn như thanh lý xe SH 150i bản nhập Ý (năm 2012) bán chỉ với giá 11 triệu đồng/chiếc, xe Exciter (năm 2013) 9 triệu đồng/chiếc, xe SH mode 10 triệu đồng/chiếc… Tuy nhiên, khi có người liên hệ hỏi mua thì người bán mới cho biết do xe không giấy tờ nên bán giá rẻ.
Thực chất, đây chỉ là chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt số tiền đặt cọc của khách hàng. Chiêu trò lừa đảo này không mới, nhưng đánh trúng tâm lý ham xe xịn giá rẻ nên đến nay vẫn có không ít người vì nhẹ dạ cả tin mà chuyển các khoản tiền đặt cọc rồi không thấy xe đâu, trở thành con mồi của những kẻ bất lương.
Để tìm hiểu về thị trường mua bán xe máy không giấy tờ, từ thông tin bạn đọc cung cấp, chúng tôi liên hệ với một chủ tài khoản có tên M.B.X. hỏi mua chiếc SH 150i mà người này đang rao bán với giá 11 triệu đồng. Ông M.B.X. cho biết: “Người mua chỉ phải chuyển trước 2 triệu đồng tiền đặt cọc, xe sẽ được chuyển giao cho người mua bằng cách gửi xe khách đến bến xe Miền Đông. Sau khi nhận xe, người mua mới thanh toán số tiền còn lại qua tài khoản ngân hàng. Đã có rất nhiều người mua xe qua trang Facebook này của chúng tôi. Đây là địa chỉ bán xe uy tín, nhưng vì lý do bảo mật thông tin nên chúng tôi không tiết lộ địa chỉ cửa hàng”.
Mới đây, Anh V.H. (ở quận Tân Phú, TPHCM) bức xúc vì vừa bị kẻ rao bán xe lừa tiền đặt cọc: “Tôi thấy trên Facebook có người rao bán xe SH Mode với giá chỉ 12 triệu đồng. Sau khi thỏa thuận, họ nói phải đặt cọc 1 triệu đồng bằng cách chuyển khoản, sau khi nhận xe mới phải thanh toán hết số tiền còn lại. Vì số tiền đặt cọc khá ít nên tôi tin tưởng làm theo. Nhưng chờ mãi không thấy xe đâu, lúc ấy mới vỡ lẽ đã bị lừa. Cũng may số tiền mất không lớn, coi như bài học cho sự nhẹ dạ, cả tin”. Còn chị N.T.T. cho biết: “Vì cần chiếc xe đi học nên ngày 15-1 vừa qua tôi lên mạng tìm mua. Thấy có người rao bán chiếc Sirius không giấy tờ với giá 5 triệu đồng, tôi liền vay mượn bạn bè để chuyển khoản trước 2 triệu đồng theo yêu cầu. Người bán hứa hẹn sau 3 ngày sẽ nhận được xe nhưng chờ mãi vẫn không thấy, gọi điện thoại thì đã bị chặn, không liên lạc được”.
Trên các diễn đàn cộng đồng mạng, cũng rất nhiều người phản ánh mình bị lừa với thủ đoạn tương tự. Thậm chí họ còn lập ra các hội nhóm để cùng truy tìm các đối tượng rao bán xe lừa đảo lấy tiền đặt cọc. Qua đó cho thấy, đã có không ít người bị dính bẫy và các đối tượng lừa đảo kiếm được khoản tiền bất chính không nhỏ.
Trước những lời rao bán xe thanh lý, xe máy không giấy tờ giá rẻ nhan nhản trên các trang mạng như hiện nay, mong rằng cơ quan công an sớm vào cuộc ngăn chặn, xử lý các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền đặt cọc. Hành vi mua bán, sử dụng các loại xe không giấy tờ là vi phạm pháp luật. Người có nhu cầu mua xe nên thận trọng, không vì ham xe giá rẻ mà nhắm mắt làm liều, tránh tiền mất tật mang.
Điều 174 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hành vi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng có tình tiết tăng nặng, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Do vậy, nếu như bị đối tượng sử dụng những thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tiền đặt cọc mua xe máy thì người dân mạnh dạn tố giác với cơ quan công an để những đối tượng này phải bị điều tra, xử lý nghiêm. |