Chữa hết tâm thần trong 3 ngày
“Không tốn tiền, không cần đi khám bệnh, không mua thuốc, chữa bách bệnh: ung thư trong vài tháng; đau cột sống, loét dạ dày trong 1 tháng, tâm thần phân liệt trong 3 ngày…”. Đó là những lời quảng cáo của lớp học “Năng lượng gốc Trống Đồng” được “thầy” Lê Văn Ph. sáng lập. Người bệnh chỉ cần có điện thoại thông minh, tham gia các lớp học được livestream trên YouTube để nhận năng lượng bằng cách… nhìn vào trán “chú Ph.”. Học viên các lớp này đa phần là người lớn tuổi, có nhiều bệnh mãn tính đã chạy chữa nhiều nhưng không dứt hẳn.
Theo thông tin quảng cáo, “thầy” Ph. đã truyền năng lượng gốc 15 năm, có trên 300.000 người từng tham gia trên toàn cầu.
“Đây là khoa học về nền văn minh không gian, đi trước trình độ hiện tại của con người vài trăm năm nên người xem phải đón nhận một cách cởi mở. Tham gia lên cao, học viên sẽ biết cách “tìm tần số của tế bào”, “đưa năng lượng có tần số mình muốn vào đúng tế bào mình muốn”, từ đó có thể “khiến tế bào hoạt động theo ý mình, tiêu diệt những tế bào mình muốn”, “thầy” Ph. phô trương công hiệu.
Sau các buổi học livestream, học viên được khuyến khích mua sách “Tế bào gốc - vị y sĩ đại tài của chính bạn”. Cuốn sách này đã bị rút giấy phép xuất bản từ 9-2021, nhưng nay vẫn bán trên một trang thương mại điện tử với giá 19,99 USD cho bản bìa mềm và 33,99 USD cho bản bìa cứng…
Có người thân là nạn nhân của những trò lừa đảo khám chữa bệnh qua mạng xã hội, anh Quang (30 tuổi, ngụ TPHCM) bức xúc: “Họ dụ dỗ người lớn tuổi bằng các triết lý đời sống, yêu thương, xong giải thích qua loa về cách chữa bệnh rất viễn tưởng. Có nhiều clip chia sẻ người lớn tuổi theo học và hết bệnh, quay lại chữa bệnh cho người nhà. Tuy nhiên, khi có phản ánh không hết bệnh thì bị chặn, block khỏi nhóm, xóa bình luận, hoặc nói chưa thành tâm, thực hành chưa đúng”.
Anh Quang cũng cảm thấy khó xử, thậm chí bất lực khi giải thích, can ngăn, kể cả cắt wifi, giấu điện thoại, nhưng người thân vẫn mê muội nghe theo các cách thức tư vấn khám chữa bệnh thiếu khoa học trên mạng.
Không mua hàng là… bị khủng bố
Đợt dịch vừa qua, cô Thanh Thu (63 tuổi, quận Gò Vấp) cảm thấy đau đầu gối, lên xuống cầu thang khó khăn, nhưng ngại ra nhà thuốc vì sợ nhiễm bệnh nên đặt thuốc bôi trơn khớp gối và vitamin tổng hợp trên mạng. Tuy thuốc là mặt hàng cấm quảng cáo online, nhưng chỉ sau vài cú nhấp trên google, các trang mạng liên tục mời gọi cô bằng các loại thuốc nhập từ Mỹ, Úc…
“Nhắn cho mỗi trang thì báo giá một kiểu. Cùng một chỗ bán nhưng nhắn 2 lần lại báo 2 giá khác nhau”, cô Thu kể. Khi hàng giao đến, cô Thu mất gần 500.000 đồng cho 2 lọ thuốc đã mất nắp phụ, gọi điện người bán để thắc mắc nhưng không cho đổi trả.
Không dừng lại ở các chiêu trò quảng cáo lôi kéo người mua thuốc trên mạng, nhiều quảng cáo thuốc giả danh các lương y, bác sĩ, người nổi tiếng… thuyết phục người lớn tuổi tin tưởng, mua hàng. Liên tục các clip “nhà tôi có 3 đời trị bệnh…” (thường là các bệnh của người cao tuổi) được phát lặp đi lặp lại 10-20 phút đầu những video trên YouTube. Đây là chiêu trò đánh vào tâm lý, khiến người xem chú ý, tò mò và tin dùng sản phẩm.
Gọi điện đến các tài khoản rao bán thuốc trên mạng, phóng viên được mời chào mua thuốc bằng một kịch bản giống nhau. Đầu tiên, sẽ được nói chuyện điện thoại với một người lớn tuổi, hỏi han tình hình sức khỏe, sau đó kết luận bệnh kèm hù dọa về bệnh tật nếu để lâu rất nguy hiểm. Kế tiếp, người lớn tuổi đầu bên kia tự xưng lương y, nhấn mạnh uy tín của mình “có 35 năm làm thầy thuốc trong quân đội, mở phòng khám 10 năm, bài thuốc đang được bán là phối hợp với Bộ Y tế để bào chế…”.
Thời gian chữa bệnh được cam kết một cách chắc chắn (thường 1-3 tháng) và giá của toàn bộ quá trình điều trị khoảng vài triệu đồng, tùy bệnh. Nếu người mua chần chừ, “lương y” sẵn sàng bỏ ra 15-20 phút liên tục để thuyết phục bằng đủ các lý lẽ: “đã 28 năm hành nghề, chắc chắn trị hết mới dám nhận”, “có bệnh nhân trễ một tháng mà nhồi máu cơ tim, có người trễ vài tuần mà nặng đến không ai dám nhận nữa”, “tiền nong thì cố gắng vay mượn được chứ sức khỏe mất rồi không thể lấy lại”… Không thuyết phục người bệnh quyết định nhanh được, người bán sẽ giảm giá gói thuốc, dùng nhiều số điện thoại khác nhau liên tục gọi “khủng bố”, thúc giục người mua quyết định.
Bối rối với khai báo y tếQuay lại bệnh viện thăm khám sau dịch, nhiều người lớn tuổi gặp khó khăn với các công đoạn khai báo y tế, thanh toán online, đăng ký khám bệnh… Theo ghi nhận, tại cổng Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), nhiều người lớn tuổi loay hoay để quét mã khai báo y tế. Nơi đây được trang bị 4 bảng lớn, có in mã QR và hướng dẫn các bước khai báo bằng Zalo. Một số người bệnh lớn tuổi, đi một mình, không rành thao tác nên phải chờ đợi, nhờ vả, mất thời gian. Tương tự, khu vực xếp hàng lấy số thứ tự của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cũng chen chúc. Quá đông bệnh nhân, việc giữ khoảng cách an toàn phòng dịch cũng trở thành không thể. |