Bẫy gửi tiền làm từ thiện

Đầu năm 2015, thông qua mạng xã hội Facebook, chị N.T.T.T. (ngụ quận 3, TPHCM) quen biết một người nước ngoài tự xưng tên là Frank Modric, hiện đang sống ở Anh quốc, chủ một tập đoàn quản lý và khai thác bất động sản. Một trong những lý do khiến chị T. dễ dàng thân thiết với Frank Modric vì người này nói rằng cũng thích làm từ thiện như chị.
Bẫy gửi tiền làm từ thiện

Đầu năm 2015, thông qua mạng xã hội Facebook, chị N.T.T.T. (ngụ quận 3, TPHCM) quen biết một người nước ngoài tự xưng tên là Frank Modric, hiện đang sống ở Anh quốc, chủ một tập đoàn quản lý và khai thác bất động sản. Một trong những lý do khiến chị T. dễ dàng thân thiết với Frank Modric vì người này nói rằng cũng thích làm từ thiện như chị.

Giả người thiện tâm để lừa đảo

Đến tháng 3-2015, Frank Modric cho biết sẽ gửi thùng quà từ nước ngoài về cho chị T., bên trong ngoài điện thoại di động iPhone 6, nữ trang, mỹ phẩm còn có 550.000 USD. Số tiền này Frank Modric nhờ chị T. giữ giùm, sử dụng để đi làm từ thiện tại Việt Nam. Ngay sau đó, một người phụ nữ liên hệ với chị T., giới thiệu tên là Yến và làm việc tại một công ty chuyển phát nhanh, thông báo thùng hàng gửi từ Anh quốc về cho chị T. đã đến sân bay Tân Sơn Nhất; nhưng vì trong thùng hàng có số lượng lớn ngoại tệ, phải nộp tiền để làm thủ tục hải quan mới được nhận, nếu không sẽ bị tịch thu. Dưới sự thúc giục của Frank Modric, chị T. đã chuyển 45 triệu đồng vào tài khoản số 5485660043880925 mang tên Phạm Thị Huỳnh Anh mở tại Ngân hàng TMCP Quân đội theo yêu cầu của “Yến”. Ngày hôm sau, “Yến” gọi chị T. bảo phải gửi thêm tiền. Nghi ngờ bị lừa, chị T. đến Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46) Công an TPHCM trình báo sự việc.

Kết quả điều tra xác định người phụ nữ xưng tên “Yến” chính là Lê Thị Phương Trang (sinh năm 1977, ngụ quận Gò Vấp). Tại cơ quan công an, Trang khai nhận tham gia vào đường dây lừa đảo do những người Nigeria cầm đầu. Các đối tượng trong đường dây làm quen những người Việt Nam qua mạng xã hội, hứa hẹn gửi tiền và quà, tiếp đó cho đồng bọn trong nhóm liên hệ, giả danh cán bộ hải quan hay nhân viên công ty vận chuyển để yêu cầu người bị hại đóng phí hải quan, phí vận chuyển vào tài khoản chỉ định, sau đó rút ra chiếm đoạt. Có rất nhiều người bị sập bẫy lừa, riêng Trang trực tiếp gọi điện thoại lừa đảo trót lọt được 10 người với số tiền khoảng 1 tỷ đồng.

Các đối tượng trong băng nhóm kết bạn qua facebook, giả hứa tặng quà để lừa tiền

Cẩn trọng lời hẹn từ thiện qua mạng

Chị T. vẫn còn may mắn vì số tiền bị chiếm đoạt ít. Cũng là nạn nhân của những lời hứa hẹn gửi tiền làm từ thiện, anh V.A.T. (ngụ quận 9) bị mất số tiền nhiều hơn. Qua mạng xã hội Linkedin, giữa năm 2016, một người phụ nữ tên Harris Rahayati chủ động làm quen với anh T. Theo lời giới thiệu, bà là người Indonesia, có chồng là người Việt Nam, hiện sinh sống tại Anh quốc. Vào năm 2014, chồng bà qua đời và hiện giờ bà cũng đang bị bệnh ung thư, chỉ sống được vài tháng nên muốn gửi 2 triệu USD về Việt Nam để làm từ thiện theo ý nguyện của chồng lúc còn sống. “Bà Harris Rahayati” quyết định chọn anh T. là người thực hiện ý nguyện này, bảo sẽ gửi 2 triệu USD về cho anh. Đầu tháng 7-2016, một người phụ nữ tự xưng là nhân viên công ty dịch vụ chuyển tiền của Anh liên hệ anh T. thông báo kiện hàng “bà Harris Rahayati” gửi anh đã về đến Việt Nam, yêu cầu anh chuyển tiền để mua bảo hiểm kiện hàng, phí chống rửa tiền xuất nhập cảnh, tiền thuế. Tin lời, anh T. nhiều lần chuyển tổng cộng 18.800USD vào những tài khoản khác nhau do người này yêu cầu. Thậm chí, để anh T. tin tưởng kiện hàng là có thật, người phụ nữ trên cho biết Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TPHCM đang giữ kiện hàng, hẹn anh T. sáng 7-7-2016 đến đơn vị này để nhận. Theo hẹn, anh T. đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh mới biết mình bị lừa.

Cũng với kịch bản tương tự, đường dây lừa đảo chiếm đoạt của anh T.V.K. (ngụ quận Tân Bình) số tiền đặc biệt lớn. Theo lời trình báo, anh được “bà Harris Rahayati” nhờ cậy làm từ thiện, nhưng sau nhiều lần chuyển tiền cho các khoản chi phí nhận hàng, thuế, tiền phạt hải quan do bị phát hiện trong kiện hàng có hàng triệu USD không khai báo… tổng cộng gần 5 tỷ đồng theo yêu cầu, anh vẫn không nhận được 2 triệu USD.

Theo Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TPHCM, thời gian qua xuất hiện ngày càng nhiều các băng nhóm lừa đảo do người Nigeria cầm đầu. Sau khi làm quen qua mạng xã hội, các đối tượng tội phạm (thường đóng vai là những doanh nhân thành đạt, sinh sống ở nhiều nước trên thế giới) dành thời gian trò chuyện để nghiên cứu tâm lý, sở thích của người bị hại, từ đó đưa ra nhiều kịch bản lừa đảo khác nhau. Trong đó, hứa hẹn gửi tiền về Việt Nam để làm từ thiện rồi buộc người bị hại nộp các loại phí, tiền phạt để được nhận tiền là một trong các kịch bản lừa đảo thành công của các băng nhóm này. Giúp làm từ thiện là điều tốt, nhưng cần cẩn trọng trước những khoản tiền hứa hẹn từ trên trời rơi xuống, trong khi không biết rõ đối phương là ai, tự biến mình thành con mồi của các băng nhóm tội phạm.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục