Từ phản ánh của du khách, một ngày cuối tháng 5-2019, PV Báo SGGP có mặt tại Khu du lịch biển Xuân Hải, một trong những khu du lịch biển nổi tiếng ở tỉnh Hà Tĩnh. Theo ghi nhận, trên bề mặt rất nhiều khối bê tông hình vuông (mỗi khối có kích thước khoảng 40cm x 40cm) của đê biển ở khu vực lên xuống bãi biển có vô số chiếc móc bằng sắt do ngấm nước biển lâu ngày đã han gỉ, bào mòn bị đứt gãy để lại hai phần sắt nhọn nhô cao, chốc ngược như mũi chiếc đinh.
Tại nhiều vị trí, các móc quai sắt này xuất hiện khá dày đặc từ trên đê xuống tận dưới mép biển; nếu khách nào khi xuống tắm biển không để ý sẽ dẫm ngay lên mũi các móc sắt. Chưa hết, nhiều đoạn dây xích sắt, trụ sắt trên đê biển cũng đã bị han gỉ, đứt, hư hỏng để lại những chiếc đinh ốc trơ trọi nhô cao, vừa gây nguy hiểm cho du khách, vừa nhếch nhác. Mặc dù tình trạng này đã tồn tại lâu nhưng không hiểu sao chính quyền địa phương và cơ quan chức năng liên quan vẫn chưa có giải pháp để xử lý, khắc phục.
Anh Thắng L. (người dân ở huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho biết, các móc sắt này chẳng khác nào là cái bẫy nguy hiểm chết người cho những ai sơ ý, nhất là trẻ con hiếu động chạy nhảy đuổi nhau. Nhiều người đã bị móc sắt chọc vào chân chảy máu, nhiễm trùng.
Ông Lê Ngọc Trung, cán bộ Văn phòng UBND xã Thạch Bằng, cho biết, đê biển ở Khu du lịch biển Xuân Hải có chiều dài khoảng 2km, do huyện quản lý. Vừa qua, tổ quản lý bãi tắm biển của xã đã theo dõi và ghi nhận có một số du khách có ý kiến phản ánh việc bị vấp trúng vào móc sắt trên đê làm bị thương, sau đó tổ quản lý có gọi điện báo cáo lên cơ quan chức năng của huyện.
Theo một cán bộ Ban quản lý dự án huyện Lộc Hà, đê biển ở Khu du lịch biển Xuân Hải được hoàn thành, bàn giao cho xã Thạch Bằng cùng với ngành du lịch của huyện quản lý, đưa vào sử dụng từ các năm 2010-2012. Trước đây, khi thi công gói thầu đầu tiên, Ban quản lý đề nghị nhà thầu cắt bỏ luôn phần móc sắt trên bề mặt khối bê tông và họ đã thực hiện, nhưng các gói thầu sau này đã hoàn thành bàn giao nên nhà thầu không cắt nữa. “Các móc sắt han gỉ ở đê biển này không làm ảnh hưởng đến đê điều, tuy nhiên lại gây nguy hiểm cho người dân. Do đó cần phải có các phương án khắc phục, xử lý. Theo quan điểm của cá nhân, bây giờ có thể đổ bê tông phủ lên phần móc quai thép khoảng 3-5cm, vừa đẹp hơn và đảm bảo an toàn, nhưng cần nguồn kinh phí hàng trăm triệu đồng. Vì vậy, hiện đang có đề xuất phương án xã hội hóa, các nhà hàng kinh doanh ở khu du lịch, trên đê đóng góp kinh phí để ban quản lý du lịch huyện hoặc xã triển khai khắc phục, kiêm luôn xử lý vệ sinh cảnh quan môi trường”, vị cán bộ Ban quản lý dự án huyện Lộc Hà cho biết.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Trần Sáng, Phó Giám đốc Sở VHTT-DL tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, sở không quản lý đê điều nên cũng không nắm được sự việc này. Tuy nhiên, quan điểm của ngành là đề nghị các ngành chức năng phải có giải pháp để đảm bảo an toàn cho du khách, đơn vị nào quản lý cơ sở hạ tầng tại khu vực thì phải có trách nhiệm để xử lý, khắc phục.