Bay bổng cánh chim Vàm Hồ

Bay bổng cánh chim Vàm Hồ

Vườn chim Vàm Hồ nằm vềà hướng Đông – Bắc tỉnh Bến Tre, nay thuộc xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri; cách thị xã Bến Tre khoảng 30 km đường bộ nếu đi ngã tắt qua huyện Giồng Trôm và 52 km đường bộ nếu đi ngã Tân Xuân (huyện Ba Tri); hoặc đi bằng đường sông – càng lý thú hơn – mất chưa đầy 1 giờ 30 phút hobo. Như vậy, vườn chim này cách TPHCM khoảng 120 km đường bộ và chừng 100 km nếu đi bằng đường sông.

Bay bổng cánh chim Vàm Hồ ảnh 1

Ảnh: T.L.

Vào thời điểm chim cò về làm tổ, nơi này đón rất đông những người yêu thích môi trường thiên nhiên đến thăm, tìm hiểu. Khi trời bắt đầu sa mưa, kéo dài cho tới tháng 10 Âm lịch là mùa quần cư, sinh sản của các loài chim lục địa tại vườn chim Vàm Hồ.

Mùa này, khi chiều đến, hơn 84 loài chim, cò các loại tựu về đây và rồi sống chen chúc trên những thảm rừng nguyên sinh chà là gai, đước, bần...ở sát cửa sông Ba Lai. Đó là một không gian nguyên sơ, sâu thẳm, cuốn hút dữ dội những người yêu thiên nhiên, yêu môi trường sống xanh ngát quanh mình...

So với những vườn chim khác như vườn chim Hiệp Thành (Bạc Liêu), vườn cò ở chùa Khmer Nô Đôn (Trà Cú, Trà Vinh), Đầm Dơi (Cà Mau)..., vườn chim Vàm Hồ (Bến Tre) dù chỉ rộng 44 ha (không kể vùng phụ cận) nhưng theo thống kê của Sở KHCN-MT Bến Tre vào năm 2000, có 84 loài thuộc 35 họ và 12 bộ, ước tổng cộng trên 500.000 con. Ngoài vạc còn có cò, tiêu biểu gồm các loại: cò trắng mỏ đen, cò quắm, cò ruồi, cò ngang, cò mỏ vàng, cò quắm trắng, diệc xám, diệc mốc...và đặc biệt, qua phát hiện gần đây, tại Vàm Hồ có cò bợ Java – loài cò sắp bị đe dọa tuyệt chủng.

Cộng sinh cùng cò, vạc còn có nhiều loài chim lục địa, sống dưới tán rừng ngập nước như: cuốc ngực trắng, trích, cúm núm, chàng nghịch, bìm bịp, thằng chài, chẽo chẹt, bông lau, chèo bẻo đuôi cò, chim vịt... Trên tầng cao hơn thì có còng cọc, trau trảu, chìa vôi... và các loài cu. Ông Nguyễn Văn Chót, nguyên Giám đốc nông trường Quyết Thắng (vườn chim Vàm Hồ trước đây thuộc nông trường Quyết Thắng), người có công đầu gìn giữ, bảo vệ đàn chim khi chúng bắt đầu đến Vàm Hồ từ năm 1986, đánh giá: “Lẳm rẳm mà đàn chim về đây xây tổ đã 20 năm rồi. Các loại chim, nhất là cò tựu về vườn chim Vàm Hồ ngày càng nhiều. Hiện nay, có lẽ phải 600.000 – 700.000 con các loại... Đó là điềm lành...”.

Không thể không kể đến công việc lặng lẽ, miệt mài của các chuyên viên môi trường thuộc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Bến Tre trước đây (nay tách ra Sở KHCN và Sở Tài nguyên - Môi trường). Để phân loại được 84 loài chim đang hiện diện tại vườn chim Vàm Hồ, trong nắng, trong mưa, qua nhiều tháng, nhiều năm, họ phải theo dõi từng loài mới có được những con số khá chính xác và đầy đủ như trên. Hiện tại, Khu bảo tồn sinh thái Vàm Hồ là vốn quý của Bến Tre không chỉ ở lĩnh vực du lịch mà nó còn thể hiện môi trường sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên trên đất cù lao.

Điều đáng mừng là từ năm 2000 đến nay, việc quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên thiên thiên ở khu bảo tồn đã thực sự đi vào nền nếp. Tình trạng quấy nhiễu đời sống định cư của các loài động vật hoang dã như chặt phá cây rừng, săn bắn chim, cò gần như không còn. Việc trồng cây gây rừng, nạo vét kênh mương để nuôi thủy sản dưới tán rừng tạo nguồn thức ăn dồi dào hầu dẫn dụ quần thể cò vạc về định cư ở khu bảo tồn cũng đã được ngành có liên quan và địa phương làm tốt, giúp cho đàn chim, cò tề tựu về ngày thêm đông vui, sống động; con người lọt vào đây như bay bổng giữa ngàn cánh chim…

PHAN LỮ HOÀNG HÀ

Tin cùng chuyên mục