Báu vật tuồng cung đình Huế

“Tuồng cung đình Huế vốn chỉ biểu diễn cho vua, quan xem nên tự thân đã có tính bác học cao, kỹ thuật biểu diễn cũng rất chuyên nghiệp và nghiêm ngặt. Người nghệ sĩ chỉ cần sơ suất trong lúc biểu diễn trước mặt nhà vua là đã bị mất đầu. Song cũng nhờ đó mà đã để lại cho hậu thế hàng trăm kịch bản và động tác biểu diễn mẫu mực”, NSƯT La Thanh Hùng nhìn nhận.
Báu vật tuồng cung đình Huế

Tuyệt kỹ mặt nạ tuồng cung đình Huế

Không chỉ trực tiếp chỉ đạo, dàn dựng, khôi phục hàng trăm vở tuồng cổ, tuồng lịch sử, tuồng hài gây tiếng vang trong nước và quốc tế, NSƯT La Thanh Hùng (đạo diễn nghệ thuật tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế) còn am hiểu sâu sắc nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống cung đình Huế. Ông tâm sự: “Hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đặc thù như tuồng, chỉ cần được làm nghề thì đã thỏa mãn rồi. Tôi rất “máu” nghề nên cứ có cảm hứng là thăng hoa, bất kể cuối cùng tiền có nhiều hay ít”.

Đau đáu với nghề, chưa một lần tự mãn với những gì đang có, NSƯT La Thanh Hùng với vai trò đạo diễn các vở diễn nghệ thuật đã giúp nhiều nghệ sĩ, diễn viên đoạt được hàng chục huy chương các loại trong các kỳ liên hoan nghệ thuật tuồng truyền thống toàn quốc.

Mới đây, tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp tuồng, bài chòi và dân ca kịch toàn quốc năm 2018 diễn ra tại Quảng Ngãi, ngoài vở diễn Đường đến Tuần lễ vàng 1945 do ông làm đạo diễn đoạt huy chương bạc, đoàn Thừa Thiên - Huế còn có nhiều nghệ sĩ, diễn viên - chủ yếu là học trò của ông cũng đoạt huy chương vàng cho các vai diễn trong vở Đường đến Tuần lễ vàng 1945 của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế và vở tuồng Trò đời nghiệt ngã của Hội Sân khấu Thừa Thiên - Huế.

“Mỗi dịp hội diễn, liên hoan tạo cơ hội để các bạn diễn viên, nhất là những người trẻ, cọ xát và tỏa sáng. Có thể có giải hoặc không, nhưng có như vậy các em mới biết người, rõ ta để tiếp tục rèn luyện, phấn đấu và làm nghề tốt hơn”, NSƯT La Thanh Hùng trải lòng.

Gốc gác ở làng Hà Trung, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhưng tuổi thơ của La Thanh Hùng lại gắn chặt với Hữu Vu - Đại nội Huế. Từ nhỏ, ông được cha là nghệ nhân tuồng cung đình Huế La Cháu kèm cặp, lại được học tập và rèn luyện dưới sự dìu dắt của nghệ nhân Viêm Bờ cùng các nghệ nhân từng là diễn viên cung đình triều Nguyễn, tài nghệ của La Thanh Hùng ngày càng xuất sắc.

NSƯT La Thanh Hùng chia sẻ, nghệ thuật tuồng cung đình Huế không đi theo con đường tả thật mà là tả thần. Tả thần có nghĩa là không đi vào chi tiết cụ thể, tỉ mỉ của đối tượng, mà tóm thu đối tượng, miêu tả bằng một nét khái quát nhất, làm sao gạn lọc lấy những điểm cốt lõi cần nói, chứ không đi vào các chi tiết phụ thuộc. Tuân theo nguyên lý đó, khi diễn tả người đi ngựa, diễn viên chỉ cầm chiếc roi ngựa; khi diễn tả buổi yến tiệc, người diễn viên chỉ cầm chén uống rượu. Đặc biệt, kỹ nghệ kẻ mặt nạ được xem là “chìa khóa” diễn tuồng.

“Nhìn vào mặt nạ tuồng ta có thể thấy được thần khí của một vị vua, vị tướng, vị quan ngay thẳng hay nét xu nịnh của quan tham, người xấu, hoặc nét dữ dằn, ma quái hay tráo trở... Cách khác, mỗi mặt nạ một tính cách như trung hiếu, nhân ái, tinh thần dũng cảm, gian manh xu nịnh hay hiểm ác. Mỗi tông màu gắn với từng mô típ nhân vật cụ thể. Chẳng hạn, mặt đen thường đại diện cho sự rắn chắc. Mặt trắng là sự bạc bẽo. Mặt mốc dành cho kẻ xu nịnh, phản trắc. Mặt rằn là kẻ tướng mạo xấu xí, tính tình nóng nảy… Mặt nạ tuồng như là một tuyệt tác mỹ thuật được các nghệ sĩ cung đình từ xưa sáng tạo dựa trên từng hình tượng của nhân vật sân khấu. Chiếc mặt nạ ấy là đạo cụ sân khấu quan trọng bậc nhất của loại hình nghệ thuật này… Song việc vẽ mặt nạ phải tự nhớ, tự học từ lựa chọn màu sắc đến thứ tự, chi tiết các bước. Mỗi vai diễn mình phải tự bắt chước các nghệ sĩ đi trước để vẽ cho đúng chứ không có tài liệu, sách vở nào cả”, NSƯT La Thanh Hùng chia sẻ.

Người diễn viên tuồng còn cần có chất giọng mạnh mẽ, dài và sâu, vang xa, thể hiện sự trầm bổng trong diễn xuất. Bên cạnh đó, kỳ công không kém là những vũ điệu, đòi hỏi diễn viên phải tập trung cao độ, hài hòa giữa vũ đạo, lời ca. Rồi lại luyện nét mặt để gương mặt lạnh ngắt không giọt máu, có khi phải đến hàng tháng trời cau có trước tấm gương soi.

 
Báu vật tuồng cung đình Huế ảnh 1 NSƯT La Thanh Hùng kẻ mặt nạ tuồng cung đình Huế
Sợ thời gian không chờ đợi

Nghệ thuật tuồng xuất hiện từ thời Lý - Trần nhưng giới nghệ sĩ lại xem năm 1627 là mốc thời gian “khai sinh” nghệ thuật tuồng cung đình Huế và cụ Đào Duy Từ là ông Tổ của loại hình diễn xướng này khi ông đưa hát tuồng (còn gọi là hát bội) về cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Tuy nhiên, tuồng Huế lại thực sự “hưng thịnh” vào thời các vị vua nhà Nguyễn (1802 - 1945). Trong đó, tuồng cung đình Huế là một hiện tượng phát tích rực rỡ trong truyền thống kịch hát dân tộc.

Dưới triều Nguyễn, nghệ thuật tuồng đã phát triển rực rỡ. Đặc biệt, thời Tự Đức và Thành Thái, tuồng được nâng thành bộ môn nghệ thuật hoàn thiện, mang tính bác học cả về mặt kịch bản cũng như nghệ thuật biểu diễn. Ở thời kỳ này, tuồng nở rộ và phát triển mạnh mẽ trong hoàng cung cũng như ngoài dân dã, được mọi tầng lớp trong xã hội, từ vua quan đến dân chúng hết sức ưa chuộng.

Sau những thăng trầm của lịch sử, tuồng cung đình Huế dần phục hồi dù phía trước vẫn còn nhiều trở ngại.

“Ưu điểm của nghệ thuật tuồng Huế hiện nay là phục dựng một số vở tuồng truyền thống hoặc dàn dựng một số vở đề tài lịch sử. Tuồng lịch sử gần với truyền thống, nên không làm mất đi những giá trị nghệ thuật truyền thống. Song thực trạng khán giả trẻ quay lưng, các buổi diễn thưa dần, nên số lượng nghệ sĩ chuyển nghề cũng không ít. Trong khi các nghệ sĩ gạo cội trình diễn tuồng ngày một lớn tuổi, thì việc tìm người trẻ kế cận cũng là vấn đề nan giải, bởi không mấy bạn trẻ mặn mà với nghệ thuật tuồng. Để bảo tồn, phát huy và phục dựng tuồng cung đình Huế không chỉ dựa vào những nhà nghiên cứu, những người am hiểu về tuồng và các nghệ sĩ biểu diễn tuồng trong cả nước, mà còn phải đào tạo diễn viên trẻ theo đúng phong cách và nghệ thuật tuồng cung đình Huế. Tức là phải đạt tới tiêu chuẩn nghệ thuật cao, mẫu mực, mang tính cổ điển và tính bác học, như nó đã có từ thế kỷ trước. Một điều quan trọng nữa là phải xây dựng được “thị trường người xem”, am hiểu, yêu thích và say mê tuồng, trong đó có việc đưa tuồng vào học đường. Cần quan tâm giáo dục thẩm mỹ nghệ thuật dân tộc cho công chúng, nhất là thế hệ trẻ”, NSƯT La Thanh Hùng mong đợi.

Tin cùng chuyên mục