Bầu cử diễn ra trong bối cảnh Ai Cập đang đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế và những thách thức an ninh nghiêm trọng ở khu vực đầy bất ổn. Khoảng 15.000 thẩm phán sẽ tham gia giám sát các điểm bỏ phiếu trên toàn quốc.
Cuộc bầu cử lần này chứng kiến cuộc đua giữa 4 ứng cử viên, gồm: Tổng thống đương nhiệm Abdel Fattah El-Sisi, người ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là ứng cử viên độc lập; Chủ tịch đảng Dân chủ xã hội Ai Cập Farid Zahran; Chủ tịch đảng Al Wafd Abdel-Sanad Yamama và Chủ tịch đảng Nhân dân cộng hòa Hazem Omar. Bốn ứng cử viên đều đã đưa ra tầm nhìn nhằm cải thiện nền kinh tế và nâng cao đời sống của người dân trong nhiệm kỳ tổng thống 6 năm tới.
Trong đó, theo France 24, đương kim Tổng thống El-Sisi cam kết nếu được bầu làm tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo, ông sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, cũng như triển khai kế hoạch toàn diện nhằm thúc đẩy sự phát triển đồng bộ tại bán đảo Sinai.
Tổng thống El-Sisi cam kết sẽ hoàn thành Tầm nhìn phát triển năm 2030 của Ai Cập, trong đó tập trung vào các cải cách chính trị, kinh tế và xã hội, bao gồm sửa đổi luật liên quan các quyền chính trị và hoạt động của các đảng phái chính trị. Tầm nhìn 2030 của Ai Cập cũng sẽ chú trọng cải cách hệ thống tư pháp và giải quyết vấn nạn tham nhũng.
Cuộc bầu cử được tổ chức vào thời điểm nền kinh tế Ai Cập đang trong tình trạng khó khăn do tác động tiêu cực của cuộc xung đột Nga - Ukraine và đại dịch Covid-19, đồng nội tệ sụt giảm mạnh so với đồng USD, dự trữ ngoại hối khan hiếm và lạm phát luôn ở mức trung bình trên 30% kể từ đầu năm 2023. An ninh quốc gia đứng trước nhiều thách thức, với một loạt cuộc xung đột ngày càng diễn biến phức tạp trong khu vực như xung đột ở Dải Gaza và các cuộc khủng hoảng chính trị - an ninh ở Sudan, Libya và Yemen.