Theo kết quả do Bộ Nội vụ Iran công bố, trong hơn 30 triệu phiếu bầu được kiểm, ông Pezeshkian giành được hơn 16,3 triệu phiếu bầu trong khi ứng cử viên Jalili chỉ nhận được khoảng 13,5 triệu phiếu. Tuyên bố của Bộ Nội vụ Iran nêu rõ: “Thông qua việc giành được đa số phiếu bầu vào thứ sáu, ông Pezeshkian đã trở thành Tổng thống tiếp theo của Iran”.
Trước đó 1 ngày, cử tri Iran đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2. Sau khi được kéo dài 3 lần với tổng cộng 6 giờ, cuộc bỏ phiếu kết thúc vào lúc nửa đêm ở Iran (khoảng 3 giờ 30 ngày 6-7 theo giờ Việt Nam). Bộ Nội vụ Iran thông báo kết quả sơ bộ cho thấy, tỷ lệ cử tri đi bầu cử là khoảng 50%, cao hơn so với vòng 1.
Theo Al Jazzera, ông Pezeshkian, cựu Bộ trưởng Y tế và nhà lập pháp từng cam kết mở cửa Iran với thế giới, là ứng cử viên duy nhất theo đường lối cải cách tham gia tranh cử Tổng thống tại Iran, trong khi 3 ứng cử viên còn lại đều theo đường lối cứng rắn. Những người ủng hộ ông Pezeshkian đã đổ ra đường phố tại nhiều thành phố và thị trấn trên khắp cả nước để ăn mừng chiến thắng.
Cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 14 của Iran, ban đầu được ấn định vào năm 2025, nhưng được tổ chức sớm một năm sau khi Tổng thống Ebrahim Raisi tử nạn trong vụ rơi trực thăng hôm 19-5 vừa qua.
Giới phân tích nhận định, chiến thắng của ông Pezeshkian có thể thúc đẩy chính sách đối ngoại thực dụng, làm giảm căng thẳng về các cuộc đàm phán đang bị đình trệ với các cường quốc nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và cải thiện triển vọng tự do hóa xã hội và đa nguyên chính trị ở Iran.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Iran đang đối mặt nhiều khó khăn kinh tế do các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây, tình hình địa chính trị khu vực, nhất là xung đột giữa Israel-Hamas và căng thẳng leo thang giữa Iran và Israel ngày càng diễn biến phức tạp, cùng những căng thẳng ngoại giao liên quan chương trình hạt nhân..., nhiệm vụ trọng tâm của tân Tổng thống cùng ban lãnh đạo mới tại Iran sẽ không hề dễ dàng.