Thông điệp chữa lành của ông Trump
Trong bài phát biểu đầu tiên sau vụ bị ám sát hụt tại TP Butler, bang Pennsylvania ngày 13-7 vừa qua, cựu Tổng thống Trump nhấn mạnh thông điệp đoàn kết, khẳng định ông đang tranh cử “để trở thành Tổng thống cho toàn bộ nước Mỹ chứ không phải cho một nửa nước Mỹ”. Đề cập đến vụ việc vừa qua, ông Trump cho rằng sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ cần phải được “chữa lành”.
Về vấn đề kinh tế, cựu Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, nếu tái đắc cử ông sẽ chấm dứt quy định về xe điện trong ngày đầu tiên nhậm chức, không cho phép xây dựng các nhà máy sản xuất ô tô ở Mexico, Trung Quốc để mang lại việc làm cho người dân Mỹ. Ông Donald Trump cam kết chấm dứt lập tức cuộc khủng hoảng lạm phát, giảm lãi suất, đồng thời nhấn mạnh trung tâm của kế hoạch cứu trợ kinh tế là giảm thuế mạnh mẽ cho người lao động.
Đây là lần thứ 3 ông Trump chấp nhận đề cử của đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống Mỹ sau các nỗ lực tương tự vào các năm 2016 và 2020. Theo giới quan sát, bài phát biểu của ông Trump đã có sự điều chỉnh theo hướng nhẹ nhàng hơn, bớt chỉ trích đảng Dân chủ mà hướng đến sự đoàn kết đất nước.
Thế "đi hay ở" của Biden
Theo báo The Hill, kết quả khảo sát của The Economist/YouGov công bố ngày 18-7 cho biết, 79% số đảng viên đảng Dân chủ tán thành việc Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ trở thành ứng viên của đảng ra tranh cử nếu Tổng thống Mỹ Joe Biden rút khỏi cuộc đua. Trong khi đó 51% người dân Mỹ tin rằng ông Joe Biden nên “đứng sang một bên” để một ứng viên khác của đảng Dân chủ đua tranh với ông Donald Trump. Cuộc thăm dò được The Economist/YouGov thực hiện từ ngày 13 đến ngày 16-7 với 1.582 người tham gia và có sai số trong khoảng 3,1%.
Trong khi đó, kênh CNN cho hay rất nhiều đảng viên hàng đầu của đảng Dân chủ cảm thấy đang vướng vào cái mà họ mô tả là “vòng lặp diệt vong”, với việc giữ hoặc đưa ông Joe Biden ra khỏi cuộc đua với ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Theo CNN, những diễn biến thời gian gần đây từ cuộc tranh luận được đánh giá yếu thế của ứng viên đảng Dân chủ trước đối thủ, những cuộc thăm dò với kết quả tiêu cực cho đến việc nhiều nhà tài trợ quay lưng với chiến dịch tranh cử đã làm lung lay cả những đồng minh trung thành nhất với đương kim Tổng thống Mỹ. Cho dù truyền thông đang nỗ lực tạo ra luồng dư luận rằng những gì ông Joe Biden đã làm không ảnh hưởng gì cả, rất nhiều ý kiến vẫn e ngại rằng ứng viên của đảng Dân chủ nhiều khả năng thua trong cuộc đua với ông Donald Trump.
CNN nhận định các nhà tài trợ cho chiến dịch sẽ là nhân tố chính quyết định cho việc “đi hay ở” của ông Joe Biden. Theo hai nguồn tin mà CNN có được, các nhà tài trợ đã đánh tiếng với các ủy ban chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ tại Thượng viện và Hạ viện rằng họ sẽ đóng băng các khoản đóng góp, trừ khi các lãnh đạo của đảng tác động để ông Joe Biden rút khỏi cuộc đua. Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ bắt đầu vào ngày 19-8 tại Chicago. Còn gần 1 tháng để đảng Dân chủ xem xét về chiến dịch tranh cử của đảng này.