Đây là lần thứ tư trong vòng 2 tháng, hơn 47 triệu cử tri đã đăng ký và đủ điều kiện đi bỏ phiếu. Tuy nhiên, đến 22 giờ (giờ Việt Nam) nguồn tin từ Bộ Nội vụ Pháp cho hay tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ là 35,33%, thấp hơn nhiều so với vòng 1 (hơn 50%) ngày 11-6.
Chiến thắng lịch sử
Tại vòng 2, chỉ có 1.151 ứng cử viên tham gia tranh cử trong khi con số này tại vòng 1 là 7.877. Điều kiện để được lọt vào vòng 2 là phải đạt được ít nhất 12,5% số phiếu bầu. Sau vòng 1, 4 ứng cử viên đã ngay lập tức trở thành nghị sĩ mà không cần phải qua cuộc bầu cử vòng 2. Điều kiện để chiến thắng ngay lập tức là ứng cử viên đó phải nhận được hơn 50% số phiếu bầu tại vòng 1 và số cử tri đi bỏ phiếu cao hơn 25%.
Theo một dự báo kết quả bầu cử, đảng Nền Cộng hòa tiến bước (REM) của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đảng liên minh Phong trào Dân chủ (MoDem) dự kiến sẽ giành được từ 440 - 470 trong tổng số 577 ghế của Hạ viện khóa mới, tức là chiếm đa số đến 4/5. Đây sẽ là một chiến thắng lịch sử, vượt xa mức đa số tuyệt đối cần thiết, tạo thuận lợi để Tổng thống Macron tiến hành cải cách sâu rộng hệ thống chính trị và nền kinh tế đất nước.
Tại vòng 1 diễn ra vào ngày 11-6 vừa qua, đảng REM, mặc dù mới chỉ được thành lập cách đây hơn 1 năm, đã giành chiến thắng vang dội với 32,3% số phiếu bầu, đứng trên đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (21,5%), đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (13,2%), phong trào cực tả Nước Pháp bất khuất (13,7%), và đảng Xã hội cánh tả (9,5%). Thực tế là nhiều chính khách tên tuổi đến từ các đảng truyền thống đã bị thất cử hoặc yếu thế hơn trước các ứng cử viên của đảng REM tại cuộc bầu cử vòng 1.
Tránh tập trung quyền lực
Đề cập đến xu thế chiến thắng vang dội của đảng REM tại vòng 2, báo chí Pháp đã gọi đây là “cơn sóng”, “trận đại hồng thủy”, thậm chí là “vụ nổ big bang”. Tuy nhiên, khảo sát do hãng Elabe thực hiện cho kênh truyền hình BFMTV cho hay, 61% cử tri Pháp mong muốn được điều chỉnh kết quả cuộc bầu cử vòng 1 do có tâm lý e ngại rằng, việc đảng REM chiếm đa số áp đảo, sẽ dẫn đến tình trạng phe đối lập quá yếu và không còn các cuộc tranh luận nghị trường. Tình trạng đó có thể dẫn đến gia tăng căng thẳng trong xã hội, được thể hiện qua các cuộc biểu tình rầm rộ, như những gì đã diễn ra trong năm 2016 với việc thông qua Luật Lao động sửa đổi. Đây cũng là cách lập luận của người đứng đầu đảng Những người Cộng hòa (LR), ông Francois Baroin. Theo ông này, một đa số tuyệt đối có nguy cơ đè bẹp các cuộc tranh luận. Chia sẻ quan điểm nói trên, về phía cánh tả, cựu Bộ trưởng Tư pháp Christiane Taubira cho rằng, cần tránh sự tập trung quyền lực, bởi vì đây là một thách thức đối với nền dân chủ.
Trong bối cảnh đó, tại một cuộc vận động cho các ứng cử viên của đảng REM, sau khi kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu đông đảo tại vòng 2, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã tuyên bố một cách thận trọng: giành được đa số tại Hạ viện là một thách thức lớn và thách thức đó chưa vượt qua, bởi vì chưa có gì được quyết định trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng, tuy đảng REM có đa số áp đảo, song do tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp nên tổng số phiếu thu được của đảng REM và liên minh MoDem tại vòng 1 chỉ là 7,3 triệu phiếu, thấp hơn hẳn so với 10,3 triệu phiếu của đảng Xã hội tại cuộc bầu cử Hạ viện năm 2012 và 11,8 triệu phiếu tại cuộc bầu cử diễn ra 5 năm trước đó của đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP), tiền thân của đảng LR hiện nay.