Bầu cử châu Âu và tiến trình chuyển đổi xanh

Năm 2030 là thời điểm các nhà khoa học cho rằng hành tinh này phải giảm gần một nửa lượng khí thải nhà kính. Trong bối cảnh đó, các chính phủ đối mặt với áp lực phải hành động nhanh chóng để cắt giảm khí thải. Nhưng, áp lực này đã gây ra phản ứng trong các nền chính trị ở châu Âu.

Giáo sư kinh tế chính trị Michael Jacobs tại Đại học Sheffield và là cựu cố vấn về khí hậu cho Chính phủ Anh nhận định, một số đảng cực hữu hoặc dân túy ở châu Âu tin rằng biến đổi khí hậu “chỉ là mối bận tâm của người giàu”, trong khi người nghèo sẽ buộc phải trả giá.

Tờ Financial Times cho biết, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã hứa sẽ từ bỏ nỗ lực khử carbon nhanh hơn các quốc gia khác. Theo ông Sunak, tỷ lệ phát thải CO2 toàn cầu của Anh chưa đến 1% nên Anh không có trách nhiệm phải hy sinh nhiều hơn những nước khác. Những cảnh tương tự đang diễn ra trên khắp châu Âu. Thậm chí, nhiều chính trị gia cực hữu đang hứa hẹn sẽ hủy bỏ các biện pháp xanh mà họ tin rằng sẽ không được cử tri ưa chuộng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vào đầu tháng 6.

W10B.jpg
Các cử tri Anh ủng hộ chính sách chuyển đổi xanh. Ảnh: The Economist

Sau Hiệp định Paris năm 2015, trong đó gần 200 quốc gia đồng ý hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 2oC và lý tưởng là 1,5oC, một làn sóng các chính phủ đặt mục tiêu cắt giảm khí thải, một số nhắm đến mục tiêu đạt mức 0 vào năm 2050. Nhiều nước, trong đó có Thụy Điển, quốc gia tiên phong về khí thải ròng, thừa nhận sẽ bỏ lỡ mục tiêu net zero vào năm 2045.

Các cuộc thăm dò dư luận chỉ ra rằng, cử tri quan tâm đến biến đổi khí hậu thường muốn chính phủ hành động nhiều hơn. Tuy nhiên, thái độ của cử tri có thể thay đổi khi đối mặt với các chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của họ. Cuộc thăm dò của YouGov trước những thay đổi chính sách của Thủ tướng Anh Sunak cho thấy, một nửa số cử tri ủng hộ việc trì hoãn lệnh cấm bán ô tô mới chạy bằng xăng và dầu từ năm 2030-2035.

Ở Đức, đề xuất cấm nhà máy điện chạy dầu và khí đốt được các nhà phân tích coi là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm mức độ ủng hộ đối với liên minh 3 đảng cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz và sự gia tăng ủng hộ dành cho đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD). Thành công gây sốc của đảng Tự do (PVV) cực hữu trong cuộc bầu cử ở Hà Lan cuối năm 2023 đã khiến các nhà hoạt động về khí hậu lo sợ về tiến trình chuyển đổi xanh và sự hủy bỏ các chính sách về khí hậu.

Điều may mắn cho đến nay là các đảng cực hữu ở châu Âu đã giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử nhưng gặp khó khăn trong việc biến phiếu bầu thành quyền lực, một phần do các đảng khác từ chối hợp tác lập liên minh cầm quyền. Hoặc như PVV tham gia Chính phủ Hà Lan, nhưng không đủ ảnh hưởng đến chính sách khí hậu của Hà Lan.

Tin cùng chuyên mục