Hiện nay, với sự bùng nổ của thị trường mua sắm trực trực tuyến, tại TPHCM nghề giao hàng trở thành một phần không thể thiếu. Công việc của một người giao hàng là nhận hàng từ các cửa hàng, rồi liên hệ, giao tới tận nhà cho khách hàng và thu tiền. Tiền công mỗi lần giao hàng từ 10.000 - 100.000 đồng, tùy vào vị trí xa hay gần. Chịu khó chạy xe, giao được số lượng đơn hàng càng nhiều thì mới có thu nhập cao. Tưởng nhẹ nhàng, đơn giản dễ kiếm tiền nhưng khi bước chân vào làm mới biết nghề này có nhiều rủi ro, vui buồn theo mỗi chuyến vận chuyển. Nghề giao hàng phải dầm mưa dãi nắng, do phải cạnh tranh với các đơn vị vận chuyển khác nên người làm nghề giao hàng hầu như không có thời gian nghỉ ngơi.
Anh Lý Vũ Lợi (một người chạy Grabfood, ở quận Thủ Đức) chia sẻ: “Tôi làm nghề giao thức ăn cho khách trong địa bàn TPHCM được nửa năm nay. Khách hàng có nhu cầu chỉ cần đặt qua ứng dụng. Khi có đơn hàng, tôi liền chạy đi mua, mang tới tận nhà cho khách và thu tiền. Có khi nhận được đơn hàng phải chạy xe thật nhanh, thậm chí suýt va quẹt với các xe khác, nhưng khi tới nơi thì họ không nhận, gọi điện nhiều lần không bắt máy, lúc ấy đành phải mang về nhà ăn. Nghề này như làm dâu trăm họ, không biết cách nào để vừa lòng tất cả các khách hàng”.
Chưa bao giờ nghề giao hàng lại phổ biến như hiện nay, không chỉ nam mà nhiều bạn nữ cũng lựa chọn nghề này kiếm sống.
Chị Nguyễn Thị Hồng (ở quận Gò Vấp) đã 2 năm làm nghề giao hàng, tâm sự: “Tôi làm nghề giao hàng cho các cửa hàng và cá nhân trên địa bàn TPHCM. Khi có đơn hàng, bất kể ngày đêm hay trời mưa gió cũng phải lao ra đường đi giao cho khách. Nhiều lúc kẹt xe, lạc đường phải tới trễ, khách tỏ thái độ không bằng lòng, thậm chí còn buông những từ không được tế nhị, những lúc ấy chỉ biết xin lỗi rồi tiếp tục chuyến hành trình. Khổ nhất là bị khách đặt hàng ảo, mất nhiều thời gian công sức chạy đi chạy lại. Tôi cũng đã có lần bị khách đặt sản phẩm với giá trị cao rồi sau đó dàn cảnh cướp tài sản”.
Sau nhiều lần va chạm với các đối tượng khách hàng khác nhau, những người giao hàng đã phải cảnh giác hơn, đúc kết ra nhiều kinh nghiệm xử lý tình huống khi rơi vào tình cảnh nguy hiểm.
Anh Nguyễn Thế Hiển (ở quận Tân Bình, có hơn 2 năm làm nghề giao hàng) chia sẻ kinh nghiệm: “Khi nhận được những đơn hàng có giá trị cao mà khách yêu cầu vận chuyển vào thời điểm trời tối, đến những nơi xa lạ, hẻo lánh, vắng người thì cần thận trọng, vì đó rất có thể là một cái bẫy. Nếu cảm thấy không an toàn thì nên hẹn khách sẽ giao vào sáng hôm sau, hoặc có thể đi 2 người để an toàn hơn, nhất là đối với các bạn nữ”.
Còn anh Lê Văn Ba (ở quận Thủ Đức) đúc kết kinh nghiệm: “Tôi làm dịch vụ giao thức ăn nhanh. Trước khi chấp nhận đơn hàng thì nên gọi điện thoại trước cho khách. Nếu nghe giọng nhẹ nhàng, gần gũi và cảm thấy an toàn thì mới chấp nhận đơn, còn giọng gằn, không lịch sự thì xin phép họ mình hủy đơn hàng. Khi nhận đơn hàng, nên nhận giao đến tận nhà hoặc nơi làm việc của người bán, tuyệt đối không nhận giao ở những địa chỉ công cộng”.
Để tồn tại lâu dài với nghề giao hàng, mỗi người cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để phòng tránh, đảm bảo sự an toàn cho bản thân; bởi những tai nạn nghề nghiệp có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Khi bị lừa đảo, nên tìm đến các cơ quan chức năng để trình báo, chia sẻ những địa chỉ hay số điện thoại của những đối tượng khả nghi lên các hội nhóm của giới giao hàng để cảnh báo cho mọi người cùng cảnh giác.