Thế nhưng, điều lạ là ngày 22-6-2021, Viện KSND cấp cao tại TPHCM có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm số 264/2021/KDTM-PT ngày 24-3-2021 của TAND TPHCM căn cứ vào công văn của Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam khiến dư luận xôn xao.
Dự án KDC Hòa Lân được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho Công ty Thiên Phú thực hiện từ năm 2002 và được công ty này thế chấp để vay vốn từ Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam, chi nhánh Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn) nhưng do công ty không có khả năng trả nợ nên đã phải giao tài sản thế chấp để ngân hàng xử lý thu hồi nợ.
Ngày 25-5-2017, Công ty TNHH Xây dựng A Đông Hải (sau đổi tên thành Công ty Kim Oanh) đã trúng đấu giá tại phiên đấu giá lần thứ 12 do Công ty CP Đấu giá Nam Sài Gòn tổ chức với giá bán 1.353 tỷ đồng. Sau đó, Công ty Thiên Phú khởi kiện Công ty CP Đấu giá Nam Sài Gòn, yêu cầu hủy kết quả đấu giá, được TAND quận 7, TPHCM thụ lý giải quyết vụ án từ tháng 2-2019, tháng 11-2020, tòa tuyên bác toàn bộ yêu cầu của Công ty Thiên Phú và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về việc hủy kết quả bán đấu giá dự án KDC Hòa Lân. Công ty Thiên Phú tiếp tục kháng cáo. Ngày 24-3-2021, TAND TPHCM ban hành bản án phúc thẩm số 264/2021/KDTM-PT với nội dung đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của Công ty Thiên Phú và các cá nhân liên quan về kết quả đấu giá dự án KDC Hòa Lân; các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đều đồng thuận.
Vụ án tưởng chừng đã khép lại thì bất ngờ mới đây, Viện KSND cấp cao tại TPHCM lại ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm khiến lãnh đạo và hàng trăm nhân viên Công ty Kim Oanh TPHCM bất an, vì nếu dự án tiếp tục bị treo thì công ty sẽ bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, còn đất đai tiếp tục bị đóng băng, gây lãng phí.
Sự bất thường của kháng nghị
Trước khi tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên không chấp nhận đơn kiện của Công ty Thiên Phú thì Thanh tra Bộ Tư pháp đã vào cuộc và ban hành Kết luận số 62 (ngày 24-12-2018), tiếp đó ngày 29-3-2019, Bộ này có báo cáo số 91 về kết quả thanh tra lên Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, dù có một số sai sót nhưng “việc thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá của Công ty CP Đấu giá Nam Sài Gòn không có vi phạm pháp luật nghiêm trọng; việc hủy hay tiếp tục hợp đồng thuộc trách nhiệm của bên có tài sản bán đấu giá là Agribank Chợ Lớn”.
Như trên đã nêu, sau phiên sơ thẩm, Công ty Thiên Phú (nguyên đơn trong vụ án) đã có đơn kháng cáo lên cấp phúc thẩm nhưng sau đó các bên liên quan thương lượng và nguyên đơn đã rút lại đơn kháng cáo trước phiên xử phúc thẩm, nên TAND TPHCM cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử và công nhận bản án sơ thẩm.
Chính vì thế, việc Viện KSND cấp cao tại TPHCM ra kháng nghị giám đốc thẩm bản án của Tòa phúc thẩm TPHCM không chỉ làm các bên liên quan bất ngờ mà còn khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Trong văn bản gửi các cơ quan truyền thông, Công ty Thiên Phú cho rằng: Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, một tổ chức không có quyền lợi, không liên quan các thành phần trong các bản án nói trên, lại có văn bản đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm đã được tòa tuyên là vô lý và đặt ra câu hỏi: không hiểu vì lý do gì Viện KSND cấp cao tại TPHCM lại ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm một cách vô lý, không đúng quy định của pháp luật, không bảo vệ quyền lợi đơn vị trúng đấu giá và không phù hợp với hồ sơ vụ án; việc tạm hoãn thi hành án khiến các bên bị thiệt hại nghiêm trọng.
Theo Công ty Thiên Phú, kháng nghị giám đốc thẩm không cung cấp được căn cứ thể hiện Công ty Nam Sài Gòn có hành vi khiến cho việc tổ chức đấu giá thiếu khách quan và nếu thiếu khách quan sẽ có lợi cho ai? Ai bị thiệt hại? Trong hồ sơ vụ án, diện tích dự án sau khi đo đạc thực tế bị thiếu hơn 8.400m2 nhưng Công ty Kim Oanh vẫn thanh toán đầy đủ cho Agribank Chợ Lớn nên ngân hàng này không bị thiệt hại. Do đó, Công ty Thiên Phú đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng, đến Viện KSND cấp cao tại TPHCM đề nghị quyết định rút kháng nghị giám đốc thẩm để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của Công ty Thiên Phú và khách hàng trúng đấu giá là Công ty Kim Oanh để dự án vốn đã bị đình trệ 14 năm qua được triển khai.
Luật sư Nguyễn Thành Ngoan (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng: Việc Viện KSND cấp cao tại TPHCM chỉ căn cứ vào văn bản của Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam - là tổ chức không phải là đương sự trong vụ án, không có bất kỳ quyền và nghĩa vụ liên quan đến bản án phúc thẩm để kháng nghị giám đốc thẩm là không đúng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 326 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Theo đó, ngoài việc nếu có vi phạm nghiêm trọng về tố tụng thì “phải có đơn đề nghị xem xét lại bản án của đương sự” (khoản 2 Điều 236). |