“Bắt tay” tiêu thụ đặc sản Tây Nguyên

Ngày 3-4, Sở Công thương TPHCM phối hợp với các tỉnh vùng Tây Nguyên tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu. Cùng ngày, Sở NN-PTNT TPHCM cũng triển khai hội nghị hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa TPHCM với các tỉnh Tây Nguyên. Mục tiêu nhằm hướng đến giải quyết nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của một siêu đô thị hơn 13 triệu dân, đưa đặc sản từ các tỉnh thành về cung ứng cho người dân TPHCM.

Du khách Đài Loan (Trung Quốc) chọn mua cà phê và trái cây sấy khô Tây Nguyên tại chợ An Đông, TPHCM. Ảnh: THI HỒNG
Du khách Đài Loan (Trung Quốc) chọn mua cà phê và trái cây sấy khô Tây Nguyên tại chợ An Đông, TPHCM. Ảnh: THI HỒNG

Có “hàng xịn” nhưng chưa biết “khoe”

Ước tính mỗi ngày, hàng ngàn tấn thực phẩm từ khắp các vùng miền trên cả nước cấp tập đổ về chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại… trên địa bàn TPHCM. Số liệu từ Sở Công thương TPHCM, mỗi ngày người dân sinh sống trên địa bàn TPHCM tiêu thụ khoảng 2.000 tấn gạo, trên 4.200 tấn rau củ quả, hơn 1.000 tấn thịt, khoảng 2 triệu quả trứng…, nhưng năng lực TPHCM chỉ cung cấp khoảng 10% thịt các loại và gần 5% trứng, nguồn hàng còn lại đến từ các tỉnh thành khác và nhập khẩu.

Theo ông Lê Hoàng Phong, Phó Giám đốc Kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn, sản lượng rau củ quả ở khu vực Tây Nguyên về chợ chiếm khoảng 2/3 trong tổng lượng hàng, tương đương 1.600-1.700 tấn/ngày. Vài năm trở lại đây, trái vải từ Đắk Nông, Đắk Lắk có chất lượng tốt, trong khi trước đây người dân chỉ biết đến vải thiều ở miền Bắc. “Theo tôi, song song với nâng cao chất lượng thì người dân nên quan tâm nhiều hơn đến mẫu mã, bao bì sản phẩm”, ông Lê Hoàng Phong gợi ý.

Liên quan đến câu chuyện làm thương hiệu, nhiều doanh nghiệp thừa nhận họ đang khá lúng túng, chưa biết bắt đầu thế nào cho hiệu quả. Do vậy, ngày hội cung - cầu mở ra cơ hội để doanh nghiệp sản xuất được dịp “trải lòng”, còn các nhà bán lẻ hiện đại cũng có dịp lắng nghe nhiều hơn tâm tư, mong mỏi của nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa. Ông Y Pốt Niê, Tổng Giám đốc Công ty CP Ê Đê CaFe, chia sẻ, doanh nghiệp đang phát triển dòng cà phê rang xay hướng hữu cơ, xuất khẩu qua các thị trường như Canada, Đức… “Chúng tôi đang muốn đưa hàng vào siêu thị để quảng bá trong nước nhưng một số siêu thị đề nghị mức chiết khấu từ 50%-70% nên chúng tôi đành rút lui”, ông Y Pốt Niê cho hay.

Dưới góc nhìn của một hệ thống bán lẻ, bà Vương Kim Uyên, Trưởng phòng nhập khẩu cấp cao hệ thống Wincommerce, cho rằng, các doanh nghiệp tham gia hội nghị kết nối đã có sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường, nên cứ mạnh dạn đưa hàng đến tay người tiêu dùng, đồng thời có kế hoạch truyền thông, đẩy mạnh thương hiệu sản phẩm. Với các trường hợp như Công ty Ê Đê CaFe, nên chăng người bán cần tìm thêm các hệ thống phân phối khác mà khách quốc tế thường xuyên đến, như các siêu thị ở TP Đà Nẵng chẳng hạn.

Chung tay hỗ trợ nhà cung ứng

Thống kê sơ bộ từ các hệ thống bán lẻ, nhiều doanh nghiệp mới có mặt trên thị trường rất dễ gặp vướng khi tìm cách kết nối, đưa hàng vào siêu thị vì chưa có kinh nghiệm. Bà Huỳnh Bích Thủy, Giám đốc giao dịch Nhà cung cấp hệ thống Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho hay, Saigon Co.op luôn có chính sách hỗ trợ công khai đối với nhà cung ứng. Để việc chào sản phẩm mới thuận tiện, nhanh chóng, nhà cung cấp chỉ cần thực hiện theo quy trình 5 bước như hướng dẫn trên website Saigon Co.op. 5 tỉnh Tây Nguyên đều có hệ thống Co.opmart và nhà cung ứng cũng được hỗ trợ bán thử hàng hóa, tuy nhiên, cần lưu ý quy định của hệ thống tối thiểu bằng quy định của các cơ quan chuyên môn đưa ra.

“Mặc dù hệ thống Saigon Co.op có 800 cửa hàng khác nhau trên cả nước, nhưng chủ yếu là cửa hàng tiện lợi, diện tích nhỏ nên không trưng bày hết hàng được, do vậy hàng hóa vào phải được chọn lọc kỹ. Có nhà cung ứng sau 3 tháng phải rút hàng ra với nhiều lý do, nên doanh nghiệp phải cân nhắc thật kỹ”, bà Huỳnh Bích Thủy lưu ý. Cùng nhận định, bà Phạm Thi Vân, Phó Tổng Giám đốc Satra, đánh giá, không ít nhà cung ứng lúng túng khi chuẩn bị một bộ hồ sơ thủ tục hoàn chỉnh. Bà Vân gợi mở, các nhà cung ứng vừa và nhỏ có thể liên kết với nhau, cử ra một đại diện có khả năng tập hợp, hỗ trợ hội viên thiết kế bao bì sản phẩm, nâng cao tính thẩm mỹ của sản phẩm để đẩy mạnh quảng bá truyền thông.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho rằng, với các doanh nghiệp có thế mạnh xuất khẩu và muốn đưa hàng vào siêu thị nội địa, nên xem lại các tiêu chuẩn của sản phẩm có phù hợp với người dân ở các vùng miền hay không. Bởi thực tế có nhiều sản phẩm tương đồng của các thương hiệu khác vẫn xuất hiện đại trà ở các siêu thị trên địa bàn TPHCM nói riêng, cả nước nói chung. Ngành công thương sẽ làm cầu nối, hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng vào các hệ thống phân phối và các sàn thương mại điện tử một cách thuận lợi. Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM Đinh Minh Hiệp cũng cho hay, sở sẵn sàng làm đầu mối, cùng các sở ngành chung tay hỗ trợ các nhà cung ứng đưa hàng hóa vào các cửa hàng, siêu thị… trên địa bàn TPHCM; hướng đến kích hoạt lĩnh vực thế mạnh có thể khai thác được giữa TPHCM với các tỉnh thành, gồm kết nối du lịch nông nghiệp và đưa đặc sản Tây Nguyên vào phân phối tại các cửa hàng, siêu thị…

Thời gian qua, Sở Công thương TPHCM đã rất nỗ lực hỗ trợ các nhà cung ứng, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đưa hàng hóa vào chợ đầu mối, cửa hàng, siêu thị… trên địa bàn TPHCM. Tuy nhiên, do một số doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ (quy mô hộ gia đình), tiềm lực kinh tế hạn chế, chưa rành công nghệ… nên đã phần nào làm chậm bước tiến của chính họ. Qua hội nghị, chúng tôi rất mong ngành công thương 2 địa phương cần có thêm các chương trình tập huấn nhằm nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ, giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Bà Dương Thị Quỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Nông

Tin cùng chuyên mục