“Bắt tay” phát triển du lịch Đông Nam bộ

Với thế mạnh hội tụ nhiều điều kiện tự nhiên, vùng Đông Nam bộ có tiềm năng lớn để phát triển mạnh mẽ ngành du lịch. Mặc dù những năm qua, du khách trong và ngoài nước đến với Đông Nam bộ tăng cao nhưng thực tế vẫn còn ít sản phẩm liên kết độc đáo để thu hút và giữ chân du khách. Do đó, cần có những cái bắt tay chặt chẽ hơn giữa các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp không khói.

Khách đông nhưng doanh thu chưa tương xứng

Theo số liệu thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong năm 2023, vùng Đông Nam bộ đón và phục vụ hơn 65 triệu lượt khách, tăng 18,55% so với cùng kỳ năm 2022. So sánh cho thấy, lượng khách của vùng chiếm tới 54,2% tổng số khách du lịch của cả nước.

Trong đó, nhiều điểm du lịch được các tạp chí du lịch thế giới bình chọn là điểm đến hấp dẫn như: địa đạo Củ Chi, công viên nước Đầm Sen (TPHCM), nhà tù Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Khu du lịch sinh thái Thủy Châu (Bình Dương), sóc Bom Bo, Vườn quốc gia Cát Tiên (Bình Phước), Làng du lịch Tre Việt, Vườn quốc gia Nam Cát Tiên (Đồng Nai) và nổi bật là Khu du lịch núi Bà Đen (Tây Ninh).

Tuy lượng khách đến nhiều nhưng doanh thu trong năm lại chỉ đạt 180.566 tỷ đồng, chiếm 26,9% tổng doanh thu du lịch của cả nước... Bài toán đặt ra đối với vùng là làm sao để tăng doanh thu của ngành thông qua các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn nhằm giữ chân và nâng mức chi tiêu của du khách.

Mới đây, tại hội nghị sơ kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ, đại diện UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thẳng thắn chỉ ra những “hạt sạn” trong việc liên kết giữa các tỉnh, thành phố. Trong đó, công tác quảng bá du lịch của vùng trên các kênh truyền thông chưa được thực hiện thường xuyên; chưa có chương trình, chính sách cụ thể trong liên kết, hỗ trợ, ưu đãi cho du khách giữa các địa phương trong vùng; chưa có nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch chung cho vùng và công tác thu hút đầu tư các dự án phát triển du lịch chưa thật sự hiệu quả.

Từ thực trạng này, nhiều kế sách phát triển ngành công nghiệp không khói của vùng đã được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra. Đáng chú ý, đại diện quản lý của một khu nghỉ dưỡng 5 sao đã nhắc đến câu chuyện thành công ở Con đường di sản miền Trung là kinh nghiệm rất đáng để các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ học hỏi và áp dụng.

xhh7c-5407.jpg
Khu di tích Căn cứ Minh Đạm, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thường xuyên đón du khách trong, ngoài tỉnh viếng thăm

Trong vai trò “nhạc trưởng” của vùng, đại diện lãnh đạo UBND TPHCM đề xuất cần nghiên cứu thị trường để tìm hiểu thị hiếu khách hàng nhằm xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch và xúc tiến, quảng bá điểm đến hiệu quả.

Kỳ vọng khởi sắc

Theo ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch gắn với xây dựng thành phố thông minh, hiện đại; hình thành các sản phẩm du lịch ven sông gắn với khu, điểm nghỉ dưỡng cao cấp. Phát triển hệ sinh thái công nghệ số phục vụ đối tượng du khách theo xu hướng du lịch số, phát triển các sản phẩm du lịch gắn với các sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hiện đại phục vụ phát triển sản phẩm du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo), thành phố sáng tạo, gắn du lịch với công nghiệp.

Đặc biệt, tỉnh tiếp tục triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM và các địa phương vùng Đông Nam bộ trong các lĩnh vực, trong đó chú trọng dự án kết nối giao thông, cảng, bến thủy nội địa nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy liên kết phát triển sản phẩm du lịch.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh, với quyết tâm chính trị cao nhằm đưa du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu thu hút khoảng 1,7 triệu lượt khách vào năm 2025 và 4 triệu lượt khách vào năm 2030. Tỉnh từng bước xây dựng và định vị thương hiệu du lịch gắn với đặc trưng, thế mạnh của vùng.

Đồng thời tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trong quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng các sản phẩm du lịch, thương hiệu du lịch Bình Phước là điểm đến hấp dẫn, đặc sắc gắn với địa danh, di tích lịch sử, văn hóa, sinh thái của vùng Đông Nam bộ.

Được giao làm Trưởng ban Điều phối vùng năm 2024, lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, cần xây dựng kế hoạch quảng bá du lịch vùng trên kênh truyền thông quốc tế; tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, tạo điều kiện tốt nhất cho việc triển khai các hoạt động hợp tác, liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng; xây dựng cơ chế, chính sách nhằm liên kết thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tin cùng chuyên mục