Bắt tay để phát triển hàng Việt

Tăng cường tìm kiếm, hợp tác sản xuất với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nhằm đa dạng sản phẩm kinh doanh trong siêu thị, đồng thời hướng đến xuất khẩu, đang là xu thế chung trong chiến lược kinh doanh của các nhà bán lẻ trong nước và nước ngoài. 

 

 

Đóng gói bao bì nhãn hàng riêng rau củ quả Co.op Ảnh: CAO THĂNG
Đóng gói bao bì nhãn hàng riêng rau củ quả Co.op Ảnh: CAO THĂNG
Đây là tín hiệu đáng mừng, giúp các DN xây dựng thương hiệu, tiếp cận tốt nhất với hệ thống phân phối để đưa hàng hóa đến người tiêu dùng trong khu vực. 
“Không có DN lớn nào mà không bắt đầu khởi nghiệp từ DN nhỏ. DN nhỏ không có nghĩa là nhỏ hoài, mà phải có tư duy lớn, từ đó huy động nguồn lực, xây dựng thương hiệu vươn ra thị trường khu vực và thế giới”, bà Nguyễn Phi Vân khẳng định.
Cơ hội đứng trên vai “người khổng lồ” Giữa tháng 6-2017, Lotte Mart đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang thị trường Myanmar với khoảng 100 mặt hàng chủ lực, mang nhãn hàng riêng Choice L do các DNNVV Việt Nam sản xuất, trị giá hơn 1 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Lotte Mart tiếp tục xuất khẩu sang Trung Quốc và Indonesia.  Là thương hiệu độc quyền của Lotte Mart đã ra mắt thị trường Việt Nam vào tháng 5-2016, sản phẩm Choice L đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ người tiêu dùng trong nước. Ông Yoon Byung Soo, Giám đốc chiến lược sản phẩm Lotte Mart Việt Nam, cho hay năm 2016, Tập đoàn Lotte Mart đã nhập khẩu khoảng 1.300 tỷ đồng hàng Việt để đưa vào hệ thống siêu thị Lotte tại một số nước trong khu vực. Năm 2017, dự kiến con số này sẽ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó sẽ đẩy mạnh các mặt hàng nông sản như chuối, xoài, thanh long và các sản phẩm chuyên dùng cho sinh hoạt hàng ngày thuộc nhãn hàng riêng Choice L có chất lượng vượt trội và giá cả hợp lý. Tương tự, tại hệ thống Big C Việt Nam, năm 2017 cũng đã thành lập bộ phận chuyên trách hỗ trợ và phát triển DNNVV, thông qua chương trình “Đồng hành cùng thương hiệu Việt”. Đây cũng là kênh để Big C có thể khai thác tốt nhất các sản phẩm có chất lượng, làm phong phú chủng loại hàng hóa trên quầy kệ tại các kênh phân phối của Central Group Việt Nam. Các DN sẽ được Big C Việt Nam hỗ trợ toàn diện thông qua các khóa đào tạo, hỗ trợ tài chính, hỗ trợ về phân phối và hậu cần, về truyền thông tiếp thị.  Theo ông Phillippe Broianigo, Tổng Giám đốc Central Group Việt Nam và Big C Việt Nam, sau thời gian triển khai, chương trình đã phát triển được nhiều DNNVV tham gia, đồng thời đạt được bước chuyển mình tích cực về nhận diện thương hiệu, bao bì, phân phối... Hiện sản phẩm của các DN đã có mặt trên quầy kệ của hệ thống siêu thị Big C Việt Nam và hướng đến xuất khẩu. Ngay khi nhận chuyển giao sau thương vụ mua lại hệ thống Metro Cash&Carry, Tập đoàn Berli Jucker (BJC - Thái Lan) cũng đưa ra chính sách ưu tiên lựa chọn các nhà sản xuất chưa có thương hiệu để hợp tác làm hàng nhãn riêng (mang thương hiệu của siêu thị nhưng gia công tại nhà sản xuất) và hai bên cùng đứng tên trên sản phẩm. Nhà bán lẻ sẽ thực hiện giám sát nhà máy, tư vấn hoàn thiện quy trình sản xuất, trình bày bao bì...  Tại các hệ thống phân phối trong nước như Saigon Co.op cũng đầu tư khá mạnh cho việc tìm kiếm các nhà sản xuất có thực lực và hợp tác, đầu tư để phát triển các nhãn hàng riêng cho siêu thị. Trong 3 năm gần đây, Saigon Co.op đã hợp tác với nhà bán lẻ hàng đầu Singapore là NTUC FairPrice chọn những sản phẩm tiêu biểu là nhãn hàng riêng của Saigon Co.op xuất sang nước này. Nhiều mặt hàng của Việt Nam đã tìm được chỗ đứng vững chắc tại Singapore.Không ngừng tự hoàn thiện  Chia sẻ kinh nghiệm được các nhà bán lẻ chọn để sản xuất, đưa hàng hóa vào siêu thị tại hội thảo “Câu chuyện thương hiệu” do Big C Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Xuân Tồn, chủ cơ sở cà phê rang xay Long Triều (Lâm Đồng), cho biết việc xây dựng thương hiệu đối với các DNNVV như Long Triều gặp rất nhiều khó khăn. “Trong một thời gian dài, khách mua hàng chỉ biết tên tôi chứ không hề biết đến tên sản phẩm mà tôi đang bán. Từ đó, tôi bắt đầu nghĩ sản phẩm của mình phải có thương hiệu để khách hàng nhận diện, chứ chỉ dựa vào việc quen mặt thì không thể phát triển được. Cùng lúc đó, Long Triều được Big C chọn đào tạo, hướng dẫn quy trình sản xuất để đưa sản phẩm vào siêu thị và đây là cơ hội mới mở ra cho công ty”, ông Tồn nói. Trên thực tế, không phải DNNVV nào khi tham gia vào chuỗi cung ứng cũng có thể giữ nguyên thương hiệu như Long Triều, mà phần lớn là làm hàng mang nhãn riêng cho nhà phân phối. Một số ý kiến trái chiều cho rằng, nếu làm hàng nhãn riêng thì nhiều khả năng DN sẽ “đánh mất mình” hoặc làm cho nhà phân phối hưởng… Phản hồi về vấn đề này, một DN đang sản xuất hàng nhãn riêng cho một hệ thống siêu thị phân tích, việc được chọn để tham gia cung ứng hàng hóa, cho dù làm hàng nhãn riêng, đã là thành công bước đầu của DN. Bởi lẽ, khi trở thành một “mắt xích” của chuỗi phân phối, nhà sản xuất sẽ hiểu được cách nhà bán lẻ vận hành, hiểu về ngành hàng, về thị trường - là những kiến thức DN có thể thiếu hụt khi quá chăm bẵm vào sản xuất.  Tuy nhiên, để không “đánh mất mình”, theo kinh nghiệm của một số DN, nhà sản xuất phải hiểu rõ điều kiện pháp lý, nắm chắc trong tay nguyên lý sản phẩm. Ví dụ, với hàng thực phẩm công nghệ thì giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm, giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm là của nhà sản xuất, chứ không phải nhà bán lẻ. Đây chính là cơ sở pháp lý để thương lượng khi hợp tác.  Nhận định về cơ hội cho các DNNVV tham gia làm hàng nhãn riêng cho Lotte, ông Yoon Byung Soo cho hay, có 2 vấn đề cần quan tâm, đó là: tính cạnh tranh về giá cả (giá phải rẻ); cải thiện chất lượng và đóng gói tốt hơn. Việt Nam có điểm mạnh là chi phí sản xuất rẻ, nhưng nếu so sánh với sản phẩm đồng giá thì chất lượng sản phẩm vẫn chưa đồng nhất.  Bà Nguyễn Phi Vân, cố vấn nhượng quyền quốc tế, cho rằng trong bối cảnh biên giới quốc gia dần mờ nhạt trên bản đồ kinh tế thì sự phát triển và sống còn của DN, đặc biệt là DNNVV, phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn của DN đó. Muốn tồn tại và phát triển bền vững, các DN cần mở rộng tầm nhìn đến thị trường quốc tế, để có thể lớn mạnh ngay trên sân nhà.

Tin cùng chuyên mục