Trước đó, chiều cùng ngày, lực lượng Bộ Công an phối hợp cùng nhiều đơn vị đã phong tỏa để khám xét trụ sở Tập đoàn Tân Hiệp Phát tại Đại lộ Bình Dương, phường Vĩnh Phú, TX Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Lực lượng công an đã phong tỏa khu vực trước Đại lộ Bình Dương và toàn bộ trụ sở tập đoàn cũng là nhà máy sản xuất. Đây là lực lượng của Bộ Công an thực hiện khám xét Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
Lực lượng công an tại hiện trường. Ảnh: TRUNG DŨNG |
Hơn 17 giờ cùng ngày, xe ô tô đặc chủng hú còi của công an đã rời trụ sở Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
Chiều 10-4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an thông tin đã khởi tố 3 đối tượng thuộc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tân Hiệp Phát.
Công nhân vẫn ra vào trụ sở Tập đoàn Tân Hiệp Phát trong chiều 10-4. Ảnh: XUÂN TRUNG |
Bộ Công an cho biết, từ ngày 8 đến ngày 10-4-2023, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích thuộc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tân Hiệp Phát; thi hành lệnh bắt tạm giam Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương.
Bộ Công an giao Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết nội dung đơn của một số công dân trên địa bàn TPHCM và tỉnh Đồng Nai tố cáo ông Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và một số cá nhân khác có hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Trốn thuế”, “Cưỡng đoạt tài sản” là các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại tỉnh Đồng Nai và TPHCM từ tháng 11-2020.
Các bị can (từ trái qua phải): Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích |
Quá trình điều tra đến nay có đủ căn cứ xác định, hành vi của Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, quy định tại khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự.
Ngày 8-4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích. Ngày 10-4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an thi hành lệnh bắt tạm giam Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương và tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 9 địa điểm đối với 3 bị can.
Các quyết định, lệnh của Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã được Viện KSND Tối cao phê chuẩn.
Liên quan tới nội dung điều tra, tháng 3-2021, vụ án trên được khởi tố khi cơ quan chức năng nhận được đơn tố cáo của ông Lê Văn Lâm (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Kim Oanh Đồng Nai - Công ty Kim Oanh); ông Nguyễn Văn Chung (Giám đốc Công ty DCB) và Lâm Hoàng Sơn (cùng ngụ TPHCM). Trong đơn, ông Lê Văn Lâm cho rằng, ông Trần Quí Thanh (Tổng Giám đốc Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát) và con gái là bà Trần Uyên Phương cùng một số người liên quan đã có hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua chuyển nhượng dự án, cổ phần doanh nghiệp. Các ký kết giữa 2 bên là hợp đồng giả cách (các bên thực hiện nhằm che giấu đi một hợp đồng khác), bản chất là việc vay mượn tiền.
Theo đó, người tố cáo cho rằng, hành vi của bà Trần Uyên Phương và những người khác gây thiệt hại cho Công ty Kim Oanh hơn 1.000 tỷ đồng.
Trong quá trình điều tra, C01 có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị chỉ đạo các sở ngành giữ nguyên hiện trạng pháp lý; tạm dừng các biến động tài sản (mua bán, tặng cho, thế chấp cổ phần, quyền sử dụng đất...) với Công ty Minh Thành Đồng Nai, dự án khu dân cư dịch vụ theo quy hoạch tại xã An Phước, huyện Long Thành. Khu đất này được phía ông Lâm cho là tài sản đã bị chiếm đoạt.
Bên cạnh đó, C01 cũng có văn bản đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo các UBND quận Thủ Đức, quận Bình Tân giữ nguyên hiện trạng 33 thửa đất đứng tên bà Phương tại các địa phương này.
Lực lượng công an xuất hiện tại trụ sở Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Clip: XUÂN TRUNG |