Xã hội phân hóa
Người biểu tình đã tập trung ở một trong những quảng trường chính thủ đô Baghdad, mang theo các biểu ngữ bày tỏ sự phản đối và hô khẩu hiệu. Cảnh sát chống bạo động đã sử dụng vòi rồng để giải tán đám đông người biểu tình. Còn ở tỉnh Basra, khoảng 3.000 người biểu tình đã tụ tập bên ngoài trụ sở của chính quyền tỉnh.
Như vậy, làn sóng biểu tình phản đối các chính sách xã hội tại Iraq đã bước sang tuần thứ hai. Các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh đã khiến 8 người chết, hơn 500 người bị thương. Người biểu tình quá khích đã xông vào trụ sở chính quyền cũng như trụ sở các đảng phái chính trị ở khắp các tỉnh miền Nam, phóng hỏa, ném đá vào lực lượng an ninh và phong tỏa nhiều tuyến đường.
Những người biểu tình cho rằng sau cuộc xâm lược Iraq của Mỹ năm 2003, các nhà lãnh đạo và giới công chức mới của Iraq đã hưởng lợi từ các quỹ công và nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong khi người dân chỉ được hưởng các hạ tầng cơ bản. Thiếu điện và nước sinh hoạt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, nhất là trong mùa hè vô cùng nóng bức ở vùng Trung Đông. Trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 5 vừa qua, người dân Iraq đã thể hiện sự bất mãn đối với chính quyền khi phần đông cử tri không đi bỏ phiếu.
Theo số liệu thống kê chính thức, dầu mỏ chiếm tới 89% nguồn thu ngân sách và 99% kim ngạch xuất khẩu của Iraq. Tuy nhiên, lĩnh vực này chỉ mang lại 1% việc làm cho người lao động trong nước, trong khi phần lớn còn lại là dành cho người nước ngoài. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Iraq hiện ở mức 10,8%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên rất cao. Các nhà phân tích chính trị cho rằng nếu giới chức trách Iraq không có biện pháp xử lý kịp thời và giải quyết triệt để những vấn đề cấp bách hiện nay, các phe nhóm chính trị không gạt bỏ được bất đồng cũng như toan tính riêng để sớm thành lập chính phủ mới, quốc gia Trung Đông này có thể rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng thực sự như những gì đã diễn ra ở nhiều nước Trung Đông - Bắc Phi cách đây 7 năm.
Khủng hoảng thất nghiệp
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây cảnh báo tình trạng khủng hoảng việc làm ở khu vực Trung Đông-Bắc Phi có nguy cơ gây ra một làn sóng bất ổn nếu vấn đề này không được giải quyết một cách triệt để. Vì vậy, các nước thuộc khu vực này cần đẩy nhanh công cuộc cải cách nền kinh tế, đặc biệt cần giải quyết các cuộc khủng hoảng có thể tác động tới phụ nữ và thanh niên.
Báo cáo của IMF cho thấy việc chưa giải quyết được các vấn đề thu hẹp khoảng cách về giới và thất nghiệp của thanh niên đã khiến khu vực này tổn thất tới 1.000 tỷ USD. Với 25% số thanh niên không có việc làm, tình trạng thất nghiệp của thanh niên khu vực Trung Đông-Bắc Phi ở mức cao nhất trên thế giới. Ở nhiều nước thuộc khu vực, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thậm chí còn vượt quá 30%. Dự báo về khu vực này đang rất ảm đạm, trong khi 27 triệu thanh niên ở đây sẽ bước vào thị trường lao động trong 5 năm tới.
Giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông của IMF Jihad Azour cho rằng hiện là thời điểm để tiến hành chương trình cải cách toàn diện cần thiết; trong đó có cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận các nguồn tài chính, xử lý vấn đề tham nhũng và điều chỉnh các hệ thống chính sách trợ cấp thiếu hiệu quả, tốn kém, sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước trong lĩnh vực đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.