Bùn lầy, nước đọng
Công viên Văn hóa Gò Vấp nằm bên bờ sông Vàm Thuật, được quy hoạch xây dựng hiện đại với nhiều khu chức năng, quy mô đến 37ha. Công trình được kỳ vọng sẽ là lá phổi xanh và là điểm sinh hoạt văn hóa phục vụ cộng đồng dân cư. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, đến nay bao quanh công viên đã mọc lên những khu nhà cao tầng, nhưng công viên vẫn chỉ là công trình dang dở, chưa biết ngày hoàn thành. Nơi đây đang trở thành điểm đen về ô nhiễm, cây dại mọc ngập đầu, bùn lầy nước đọng.
Con đường Nguyễn Văn Lượng đã nâng cấp mở rộng bị chắn ngang bởi cánh cổng sắt của công viên. Lối vào công viên là một cửa nhỏ, có 2 nhân viên bảo vệ. Nếu không có bảng ghi ở đầu cổng, mọi người khó nhận biết đây là công viên. Quanh công viên có dòng kênh nước đen đục, khi nước triều rút để lộ lớp bùn dày, mùi hôi từ kênh bốc lên khiến những người đi lại trong công viên phải lấy khăn che kín mũi. Anh Nguyễn Văn Nam (nhà cạnh công viên) cho biết: “Công viên văn hóa nhưng lại thiếu văn hóa. Hàng trăm gia đình xung quanh công viên nhiều năm qua phải sống chung với ô nhiễm, đối mặt mối lo dịch bệnh, vì hàng chục hécta đầm lầy, cây cỏ dại là nơi trú ngụ, sinh sôi của muỗi”.
Nơi đây cũng từng là điểm nóng về tệ nạn. Người dân ở đây cho biết, trước khi công viên được chuyển về cho Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 (Khu 3, thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM), nơi đây có nhiều đối tượng tụ tập hút chích, sử dụng ma túy. Khi đêm xuống, khu công viên trở thành lãnh địa riêng của nhóm người xấu. Từ khi lực lượng bảo vệ cắm chốt, an ninh trật tự trong công viên đã được cải thiện. Tuy vậy, theo phản ánh của người dân địa phương, một số đối tượng xấu vẫn chọn công viên làm nơi tụ tập. Ở cổng chính được lực lượng bảo vệ giám sát, chúng lại vượt sông Vàm Thuật từ quận 12 đột nhập vào công viên.
Công viên bị bỏ rơi!
Theo UBND quận Gò Vấp, năm 2001, TPHCM khởi công đầu tư xây dựng dự án Công viên Văn hóa Gò Vấp với kinh phí 100 tỷ đồng. Nhưng dự án triển khai quá chậm, chỉ xây dựng một số ít hạng mục rồi dừng hẳn. Năm 2007, công viên được giao lại cho Công ty cổ phần Đầu tư Gia Tuệ tiếp tục thực hiện dự án, nhưng rồi không suôn sẻ, phải dừng lại. Sau nhiều năm bị ngưng trệ, năm 2014, công viên được chuyển về cho quận Gò Vấp quản lý đầu tư. Việc thay chủ đầu tư vẫn không thể đẩy nhanh tiến độ. Năm 2016, công viên lại được chuyển từ UBND quận Gò Vấp về cho Khu 3. Từ khi chuyển cho ngành giao thông, một số công trình đã được triển khai xây dựng, như trải thảm nhựa đường nội bộ, mở rộng thêm diện tích cây xanh, tu bổ hồ trồng sen… Tuy nhiên, với tốc độ đầu tư “rùa bò”, không biết đến bao giờ công trình công viên mới được hoàn thành.
Trả lời phóng viên Báo SGGP về tình trạng bất ổn ở Công viên Văn hóa Gò Vấp, ông Phan Đình An, Chủ tịch UBND phường 6, cho biết: “Việc xây dựng kéo dài làm xấu môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và kiềm hãm sự đi lên của địa phương. Người dân nhiều lần có ý kiến, nhưng chủ đầu tư đã đổi, nên UBND phường cũng chỉ biết báo cáo lên quận để thúc Khu 3 đẩy nhanh tiến độ xây dựng, khắc phục giảm bớt ô nhiễm môi trường, sớm tạo cảnh quan”.
Để biết thêm tình hình xây dựng công viên, chúng tôi gõ cửa đơn vị quản lý đóng tại công viên. Nhân viên trực ở đây cho biết, đơn vị chỉ quản lý phần cây xanh, còn muốn biết thông tin về kinh phí, tiến độ đầu tư, thì phải liên hệ với Khu 3 đóng ở quận 12. Tìm đến Khu 3, Phó Giám đốc Khu 3 cho biết đơn vị đã chỉnh trang, xây dựng các hạng mục cải tạo cảnh quan, trồng thảm cỏ, lắp đặt đèn chiếu sáng. Thời điểm này, lãnh đạo đơn vị đang chỉ đạo nhiều công trình trọng điểm, cấp bách. Để có thông tin cụ thể phải chờ phòng ban cấp dưới báo cáo, sẽ trả lời sau.
Vậy là, câu hỏi bao giờ công viên văn hóa mới trở thành điểm văn hóa vẫn chưa thể có câu trả lời.