Trước đó, Công an huyện Bình Chánh kiểm tra hành chính căn hộ Sài Gòn Mia (xã Bình Hưng), phát hiện Trương Thị Yến Nhi (sinh năm 2005), Trần Tuyết Hảo (sinh năm 2004) và Trần Tuyết Ngân (sinh năm 2001, cùng ngụ tỉnh Bạc Liêu) sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú có dấu hiệu làm giả.
Mở rộng điều tra, công an xác định nguồn gốc số giấy tờ giả trên do Trần Văn Diệp, nhân viên một phòng giao dịch ngân hàng ở khu Trung Sơn, cung cấp. Ngoài việc sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú giả, Diệp còn đặt mua giấy chứng nhận kinh doanh giả cùng các chứng từ giả khác.
Công an xác định đây là đường dây chuyên làm giả các loại giấy tờ chữ ký, con dấu của các cơ quan, tổ chức do Duy cầm đầu.
Ngoài Duy, công an mời Trần Thị Phương Thảo (sinh năm 1992, vợ Duy), Võ Thị Thủy Tiên (sinh năm 1997, ngụ quận Tân Phú), Nguyễn Hoàng Huyền Trang (sinh năm 1993, ngụ tỉnh Long An, nhân viên ngân hàng), Bùi Nguyễn Minh Lâm (sinh năm 1993, ngụ quận 6), Trần Nguyễn Thanh Huy (sinh năm 1989, ngụ tỉnh Khánh Hòa), Trần Văn Diệp (sinh năm 1981, cùng là nhân viên ngân hàng).
Tại cơ quan công an, Duy khai nhận từ năm 2020, Duy bắt đầu làm giả các con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức như: đơn xác nhận kinh doanh, giấy xác nhận cư trú, sao kê tài khoản ngân hàng, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, sao y bản chính các giấy tờ, giấy tất toán tài khoản ngân hàng để bán cho người có nhu cầu.
Duy thuê Tiên, trả công 8-10 triệu đồng/tháng. Từ tháng 5-2023, Thảo cũng tham gia giúp sức cho chồng. Các bị can là nhân viên ngân hàng khai do thấy nhiều khách hàng vay vốn, nhưng không có giấy đăng ký tạm trú cũng như các giấy tờ khác nên họ đã mua giấy tờ giả của Duy để bổ túc hồ sơ vay vốn cho khách hàng hoặc bán lại cho người khác.
Khám xét nơi ở của Duy, công an giữ máy móc, thiết bị sử dụng để làm giấy tờ giả cùng hơn 1.700 con dấu tròn giả các cơ quan, tổ chức. Qua trích xuất dữ liệu máy tính, công an thu hơn 12.000 tài liệu có liên quan, trong đó có khoảng 2.000 tài liệu giả đã được các đối tượng sản xuất và bán ra ngoài.