Chuẩn bị kỹ lưỡng
Ngày 17-2, các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn TPHCM đã đồng loạt gửi thông báo đến phụ huynh và học sinh kế hoạch dạy học trên internet bắt đầu triển khai từ ngày 18-2 đến hết tháng 2-2021.
Chị Nguyễn Nhung, phụ huynh có con đang học lớp 1, Trường Tiểu học Thực hành (Trường ĐH Sài Gòn) cho biết, tất cả phụ huynh đều nhận được thông báo về việc tổ chức cho học sinh gặp mặt giáo viên và bạn học cùng lớp nhân dịp đầu năm mới. Theo đó, lúc 9g sáng hôm qua (18-2), các lớp đều tổ chức cho học sinh gặp mặt online sau thời gian nghỉ tết. Cụ thể, học sinh có thể tải ứng dụng google meet vào điện thoại, máy tính bảng, laptop hoặc vào trực tiếp trang web meet.google.com để tham gia họp lớp.
Tương tự, tại Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận 1), anh Lê Hải Nam, phụ huynh có con học lớp 5 chia sẻ, con anh thường xuyên theo dõi các video clip bài giảng E-learning được nhà trường cập nhật trên website trường. Phụ huynh này bày tỏ: “Dù tạm ngừng đến trường nhưng con tôi có thể tự học tại nhà hầu hết các môn nên không lo quên kiến thức sau thời gian nghỉ tết. Riêng hai môn Toán; Luyện từ và câu, ngoài phần củng cố kiến thức, giáo viên còn soạn sẵn các câu hỏi luyện tập cho các con rèn thêm ở nhà”.
Ở bậc THCS, dạy học trực tuyến chính thức triển khai từ ngày 18-2 tại Trường THCS Nguyễn Du (quận 1). Trước đó một ngày, ban giám hiệu đã tập huấn cho tất cả giáo viên bộ môn phần mềm Teams của Microsoft, kết hợp một số ứng dụng để tạo sự sinh động, tăng hiệu quả tiếp nhận và hứng thú học tập cho học sinh. Việc dạy học được tổ chức theo thời khóa biểu, theo đúng phân phối chương trình, trừ ba môn Âm nhạc, Mỹ thuật và Thể dục. Trong quá trình dạy học, giáo viên có thể tổ chức kiểm tra online tùy vào tình hình tham gia thực tế của học sinh.
Tại Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3), phụ huynh nhận được thông báo triển khai dạy học trực tuyến từ ngày 17 đến 20-2. Cụ thể, đối với các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, học sinh tham gia học theo thời khóa biểu, mỗi tiết học kéo dài 45 phút. Riêng các môn còn lại, học sinh truy cập vào website trường để cập nhật nội dung bài học, bài tập của tuần 23.
Đặc biệt, tại Trường THPT Tân Phong (quận 7), thầy Trần Công Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, giáo viên ở tất cả bộ môn đã xây dựng nội dung bài dạy và học liệu phù hợp để triển khai dạy học trực tuyến. Trường hợp học sinh không có máy tính hoặc điện thoại thông minh, không có điều kiện kết nối internet sẽ được giáo viên bộ môn phối hợp giáo viên chủ nhiệm hỗ trợ học trong điều kiện có thể, đồng thời lập danh sách riêng để có biện pháp hỗ trợ khi các em trở lại trường.
Cần sự đồng hành của phụ huynh
Trao đổi với chúng tôi, chị Hải Yến, phụ huynh có con đang học lớp 2, Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh) cho biết, nếu như năm học trước dạy học trực tuyến tổ chức có phần bị động, giáo viên và học sinh chưa có nhiều kinh nghiệm thì năm nay đã triển khai hiệu quả hơn. Mới đây, Trường Tiểu học Hồng Hà đã tổ chức lấy ý kiến phụ huynh về 2 phương án dạy học trong thời gian học sinh tạm ngừng đến trường gồm dạy học trực tuyến qua phần mềm theo thời khóa biểu (học sinh tương tác online) hoặc giáo viên xây dựng các video clip bài giảng, gửi bài tập qua các nhóm chat Zalo, Viber để phụ huynh in ra cho học sinh tự luyện tập thêm ở nhà (học sinh chủ động chọn giờ học phù hợp, không bắt buộc cả lớp cùng tham gia một khung giờ nhất định).
Hầu hết phụ huynh có con học tiểu học đều cho rằng dạy học trực tuyến chỉ phù hợp với học sinh trung học do có đủ kiến thức về công nghệ để chủ động đăng nhập phần mềm, xử lý tình huống khi có trục trặc về kỹ thuật. Trong khi đó, ở độ tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt các khối lớp 1, 2, 3, nhiều em chưa có tài khoản gmail, không thể một mình đăng nhập và tham gia các giờ học trực tuyến. Thời điểm này, học sinh được nghỉ học ở nhà nhưng cha mẹ vẫn phải đi làm, không thể ở nhà hỗ trợ con. Vì vậy, phương án hiện được nhiều trường tiểu học lựa chọn là tổ chức các video clip bài giảng cho học sinh tự học và luyện tập tại nhà với sự giám sát, nhắc nhở của phụ huynh.
Tại Trường THPT Tân Phong (quận 7), kế hoạch dạy - học trên internet nhấn mạnh vai trò đồng hành của phụ huynh trong việc hỗ trợ học sinh tham gia học trực tuyến. Nhà trường lưu ý phụ huynh chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ bản cho học sinh tham gia học trực tuyến, đồng thời có biện pháp giám sát, hỗ trợ hướng dẫn con em mình hoàn thành các yêu cầu học tập của giáo viên. Ngoài ra, theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), không chỉ trong thời gian học sinh tạm ngừng đến trường vì dịch bệnh, gia đình và nhà trường cần tạo thói quen tự học cho học sinh để các em biết cách làm chủ kiến thức, có khả năng thích ứng trong mọi điều kiện học tập.