Gần 2 năm qua, dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống. Trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, một số loại hình như nhiếp ảnh, hội họa đã bắt nhịp với cuộc sống để mang đến công chúng những tác phẩm phản ánh kịp thời về sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhiều họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh đã có những cuộc triển lãm cá nhân về đề tài Covid-19 gây được tiếng vang.
Mặc dù không đứng ngoài cuộc, nhưng lĩnh vực văn chương dường như còn khá im ắng, chưa có tác phẩm nào thực sự xứng tầm. Điều này đang đặt ra câu hỏi: Phải chăng các nhà văn không mặn mà với đề tài này?
Thực tế vào năm ngoái, sau khi dịch Covid-19 bùng phát trong nước không lâu, đã có một số tiểu thuyết ra mắt, nhưng cũng không tạo được ấn tượng tốt. Có thể kể đến Những ngày cách ly (gần 160 trang) mà theo chia sẻ của tác giả, tác phẩm được sáng tác trong 12 ngày. Có lẽ vì được sáng tác trong thời gian ngắn, bối cảnh trong tác phẩm diễn ra ngay sau khi dịch bùng phát chỉ một tháng, chính vì vậy tác phẩm có nội dung đơn giản, không có nhiều giá trị về mặt nghệ thuật.
Cho đến lúc này, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khiến cuộc sống thay đổi từng ngày. Nhiều y bác sĩ vẫn đang căng mình thực hiện nhiệm vụ trong các bệnh viện, khu cách ly. Và đặc biệt, hậu quả đau lòng mà dịch Covid-19 mang đến là đã có rất nhiều người tử vong, nhiều đứa trẻ phút chốc trở thành mồ côi… Tất cả là đề tài quý giá để nhà văn cất lên tiếng nói về hiện thực đời sống cũng như thân phận con người.
Liên quan đến dịch bệnh, lịch sử văn chương thế giới từng ghi nhận rất nhiều tác phẩm nổi tiếng được ra đời khi dịch bệnh đã qua, hoặc ngay cả khi không có dịch bệnh. Có thể kể đến Mười ngày (nhà văn Giovanni Boccaccio), Dịch hạch (Albert Camus), Tình yêu thời thổ tả (Gabriel Garcia Marquez)…
Hay một đề tài mà nhân loại đều quan tâm là chiến tranh. Mặc dù đất nước đã im tiếng súng, nhưng nhiều tác phẩm viết về chiến tranh vẫn đến được với bạn đọc sau này. Nhà văn Bảo Ninh có tác phẩm để đời Nỗi buồn chiến tranh, được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1987 (lúc đó có tên là Thân phận của tình yêu). Tác phẩm đã nhận được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 và được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau. Cho đến ngày nay, nhiều nhà văn, trong đó có cả những nhà văn trẻ cũng đang thao thức, trăn trở để tiếp tục cho ra đời những tác phẩm lấy cảm hứng từ lịch sử, từ những cuộc kháng chiến.
Khác với báo chí và những loại hình nghệ thuật khác, văn chương cần thêm thời gian, cần có thêm độ lùi với hiện thực để tạo nên những tác phẩm có chiều sâu và có giá trị. Chính vì vậy, bạn đọc đang chờ đợi những tác phẩm văn học nghệ thuật thấm đẫm hơi thở cuộc sống!