Du khách “sứt đầu mẻ trán”
Những ngày đầu tháng 8, tại cơ sở du lịch Triều Trang, hàng chục chiếc xe ô tô “quá đát” đã được độ chế động cơ và kiểu dáng, biến thành những chiếc xe địa hình chở khách du lịch phóng đi bạt mạng.
“Sau khi bỏ số tiền 800.000 đồng, 8 người trong gia đình tôi leo lên chiếc xe ô tô để đi khám phá đồi cát. Do không đủ chỗ ngồi, 4 người trong gia đình phải ngồi sau thùng xe. Không dây an toàn, không bảo hộ, chiếc xe chở theo nhiều sinh mạng cứ thế lao đi, rung lắc bần bật. Đầu của chồng tôi không may đập vào thùng xe bị bầm tím. Đây là trải nghiệm tồi tệ và tôi sẽ không bao giờ tham gia lần nữa”, chị Lê Thúy Nhi (du khách từ TPHCM) chia sẻ.
Vẻ mặt thất thần, anh Lê Văn Thọ (du khách từ tỉnh Đồng Nai) vẫn chưa thể lấy lại bình tĩnh sau khi tham gia dịch vụ đi xe địa hình trên đồi cát tại cơ sở du lịch U&Me. “Khi lên xe, chúng tôi không hề được trang bị bất kỳ thiết bị bảo hộ nào. Mọi thứ diễn ra quá nhanh, tôi chỉ nhớ cảm giác mình như bị hất văng ra khỏi xe, còn tài xế thì cứ lái xe lao qua các triền cát sâu hun hút. Không thể tưởng tượng nổi điều gì xảy ra nếu chiếc xe bị lật ngang giữa những đồi cát trơn trượt”, anh Thọ nhớ lại. Trong khi đó, có cơ sở du lịch nơi đây còn sẵn sàng để khách du lịch tự cầm lái những chiếc mô tô địa hình, không cần biết họ có bằng lái hay không.
Theo tìm hiểu, hiện ở khu vực thắng cảnh Bàu Trắng đang có 4 cơ sở kinh doanh xe địa hình chở khách du lịch trải nghiệm, khám phá đồi cát. Thực tế, thời gian qua đã có nhiều trường hợp du khách đã phải gánh chịu hậu quả từ loại hình dịch vụ này. Ngoài ra, theo một số nhân viên đang làm việc tại các điểm du lịch ở thắng cảnh Bàu Trắng, do địa hình đồi cát gồ ghề, trơn trượt nên hay xảy ra các vụ lật xe, hoặc du khách bị văng ra khỏi xe nếu không bám chắc.
Buông lỏng quản lý?
Theo Ban quản lý điểm du lịch Bàu Trắng, hiện tại tất cả 4 cơ sở kinh doanh dịch vụ xe địa hình chở khách du lịch đều không có giấy phép hoạt động đối với loại hình dịch vụ và không có giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Theo thống kê, tổng số xe địa hình đang hoạt động tại khu vực thắng cảnh Bàu Trắng là gần 200 chiếc, trong đó xe mô tô ATV là hơn 80 chiếc, còn lại là xe ô tô. Hầu hết các xe ô tô địa hình đều là xe quá niên hạn, không được đăng kiểm. Các chủ cơ sở thu mua các xe ô tô cũ rồi “tút” lại động cơ, cải hoán thân xe để chở khách du lịch.
Ông Ngô Trường Thọ, Trưởng Ban quản lý điểm du lịch Bàu Trắng, cho biết: “Loại hình du lịch xe địa hình chở khách hiện chưa được cấp phép hoạt động trên đồi cát, việc chở khách du lịch của các cơ sở vẫn là tự phát. Hầu hết các xe địa hình trong các cơ sở kinh doanh du lịch không có giấy tờ và đều được “độ” lên vận tốc cao để có thể chạy trên đồi cát”.
Trong khi đó, ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, cho rằng, do các loại xe này chỉ hoạt động trong khu vực nội bộ thắng cảnh, không điều khiển ra ngoài đường nên đơn vị không quản lý và không thể áp dụng xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt vì không thuộc phạm vi điều chỉnh.
Để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý dịch vụ xe địa hình ở thắng cảnh Bàu Trắng, thời gian qua, UBND huyện Bắc Bình phối hợp với Sở GTVT, Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Thuận tìm phương án đưa hoạt động kinh doanh này đi vào quy củ, đúng quy định, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Năm 2019, Bộ VH-TT-DL đã ban hành quyết định công nhận thắng cảnh Bàu Trắng là di tích cấp quốc gia. Tổng thể thắng cảnh Bàu Trắng được các ngành chức năng thống nhất khoanh vùng bảo vệ với tổng diện tích gần 372ha. Theo TS Đinh Kiệm, nguyên Trưởng khoa Quản lý nguồn nhân lực, Trường Đại học Lao động - Xã hội TPHCM (cơ sở II), Bàu Trắng là quần thể tự nhiên dễ bị tác động bởi thiên nhiên và con người. Do đó, địa phương cần quản lý chặt chẽ và có chính sách cụ thể hơn để kiểm tra, kiểm soát, giám sát, từ đó đưa việc khai thác đi vào đúng quỹ đạo và bền vững.