Một cán bộ tuyển sinh của Trường CĐ Kinh tế TPHCM cho biết, gần đây đã nhận cả chục thư mời kèm theo biểu phí tham gia các chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp. Trong đó có các đơn vị truyền thông và cả các công ty, trung tâm, trường THPT đủ các kiểu.
Cụ thể: Trung tâm Hướng nghiệp TPHCM mời đồng hành chương trình “Hướng nghiệp - khởi nghiệp” tại 34 trường THPT ở tỉnh Bình Phước. Kèm theo thư mời với nội dung: “Đây là chương trình của Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước giao cho báo cáo viên là H.A.B của trung tâm trực tiếp đứng lớp tại 34 trường THPT toàn tỉnh Bình Phước. Mời các trường có nhu cầu tiếp cận hỗ trợ thông tin hướng nghiệp - tuyển sinh - khởi nghiệp cho học sinh lớp 12 của tỉnh Bình Phước có thể đồng hành cùng tư vấn theo tinh thần xã hội hóa của tỉnh có thể hiện trong công văn. B. chỉ cần 2 đơn vị đồng hành nên trường có nhu cầu xin báo sớm cho B.”.
Tuy nhiên, trong kế hoạch kèm theo thư mời là bản kế hoạch của Sở GD-ĐT Bình Phước không có ngày tháng, không chữ ký, không đóng dấu nhưng với nội dung hoàn toàn khác là “bồi dưỡng chuyên đề giáo dục kiến thức, kỹ năng, về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên dự kiến tốt nghiệp ra trường năm học 2018-2019”. Trong khi đó, phần kịch bản chương trình có 87 phút thì 50 phút dành cho trường ĐH, CĐ đồng hành, 15 phút giao lưu với trường ĐH, CĐ đồng hành và anh B.
Một thư khác của Ban tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh tỉnh Quảng Ngãi 2019 mời tham gia với phần kinh phí phải bỏ ra là trao học bổng, tài trợ từ 15 - 40 triệu đồng và tham gia tư vấn 4 triệu đồng.
Một trường THPT khác tại TPHCM gửi thư đến nhiều trường ĐH, CĐ mời tham gia “Ngày hội tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2019” với nội dung chủ yếu là các thông tin tuyển sinh, học bổng, du học… nhưng kèm theo số tiền tài trợ dưới danh nghĩa học bổng là 4 triệu đồng.
Một trường ĐH khác cho biết từ đầu tháng 12 đến nay, tuần nào cũng nhận điện thoại, thư mời tham gia tài trợ cho cẩm nang, ngày hội tư vấn, tọa đàm. Một buổi tọa đàm về đổi mới tuyển sinh có đại diện Bộ GD-ĐT, các trường ĐH nhưng chi phí tham gia trực tiếp 20 triệu đồng/trường/buổi, đặt logo trên background 5 triệu đồng/trường/logo...
Sặc mùi thương mại
Phó hiệu trưởng một trường chuyên đào tạo khối ngành kinh tế cho biết: “Để làm chương trình tư vấn chắc chắn cần phải có tiền của nhà tài trợ. Nhưng hiện nay số chương trình tư vấn tuyển sinh thật sự có ý nghĩa và làm không vì “tiền” chỉ có vài chương trình. Còn lại đều bị các trường bỏ ra mua đứt. Một đơn vị làm tư vấn mà chỉ có 2 - 3 trường ĐH hoặc CĐ mua đứt nên đến đâu họ cũng phải để cho trường đó giới thiệu, tư vấn về trường mình, chứ thông tin thí sinh cần thì lại không giải đáp được. Tư vấn kiểu như thế thì làm để làm gì? Một điều đáng lo ngại hơn nữa là một số trường THPT “móc nối” với một số đơn vị tổ chức sự kiện rồi giao hết cho đơn vị đó thầu hết và trường ĐH, CĐ nào muốn đến tư vấn phải đóng phí cho đơn vị đó mới được tư vấn. Riêng với trường tôi thì chỗ nào có “mùi tiền” là trường nhất quyết không làm”.
Một kiểu núp bóng nữa mà vị phó hiệu trưởng trên cảnh báo, đó là tư vấn theo kiểu bị mua đứt thì họ chỉ đến để lấy thông tin của học sinh, sau đó lôi kéo bằng hàng loạt mức học bổng này kia để thí sinh quan tâm.
Là người chuyên về công tác hướng nghiệp, tư vấn có thâm niên hơn chục năm nay, TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác Sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng để làm công tác tư vấn tuyển sinh, đặc biệt là công tác hướng nghiệp cần phải có chiến lược, có nhân sự kinh nghiệm về đào tạo, tư vấn tuyển sinh, được bồi dưỡng chuyên đề về tư vấn. Đặc biệt, cung cấp thông tin tình hình sinh viên trúng tuyển vào trường, ngành như thế nào… Về phía các địa phương, sở GD-ĐT nên có hoạt động định hướng trong khung chương trình hướng nghiệp phổ thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong hướng nghiệp, phân luồng, tập huấn bồi dưỡng giáo viên hướng nghiệp hàng năm vì hầu hết là kiêm nhiệm. Với trường THPT nên chọn lọc trước thông tin để tuyên truyền đến đúng đối tượng học sinh.
“Thật ra, nếu làm bài bản như thời gian qua của ĐH Quốc gia TPHCM thì giúp ích rất nhiều cho học trò ở các trường THPT và địa phương. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng cần. Nhiều chương trình có cả chuyên gia tư vấn tâm lý nhưng lại không biết sử dụng cái gì, nội dung như thế nào để tư vấn cho hợp lý”, TS Lê Thị Thanh Mai cho biết.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, thẳng thắn: “Hiện trường tham gia tư vấn tuyển sinh với hầu hết đơn vị truyền thông, nhưng thấy chỉ có một đơn vị không dính đến vấn đề tiền bạc. Các sở GD-ĐT, trường THPT, rồi đoàn thanh niên các địa phuong... đôi khi cũng kinh doanh! Tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp là nhằm cung cấp thông tin cho học sinh, nhưng các em đôi lúc bị ép tập trung nghe các thông tin mà các em không cần. Do đó, đi với một số đơn vị bây giờ không hiệu quả vì khi đến các em nói chuyện riêng không nghe tư vấn gì cả”.
Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TPHCM cho rằng: Bây giờ nhiều đơn vị tổ chức tận dụng tư vấn tuyển sinh để làm kinh tế là chủ yếu. Khi chương trình có trường nào tài trợ thì chắc chắn phải bị họ chi phối vì tiền bỏ ra và họ có quyền. Ngay cả các trường THPT bây giờ cũng bị chi phối và một số trường ĐH, CĐ mua đứt, các trường khác muốn vào tư vấn cũng không thể vào. Nếu thật sự thí sinh cần thông tin ngành nghề, phương thức tuyển sinh của các trường thì chỉ cần lên website của trường đó tìm hiểu và cần thì có hotline hoặc inbox là nhận được tư vấn ngay. Còn chuyện hướng nghiệp thì không phải đến năm lớp 12 mới làm vì lúc này thí sinh đã bù đầu với học và thi cử rồi. Ngay khi vào lớp 10, lớp 11 các em đã chọn tổ hợp để đầu tư học rồi. Một mô hình hiện nay khá hay và hiệu quả thiết thực mà ĐH Quốc gia TPHCM và nhiều trường khác tại TPHCM đã và đang làm đó là tổ chức các ngày mở để giáo viên, học sinh các trường THPT đến tham quan, tìm hiểu thực tế ngành nghề đào tạo để có định hướng lựa chọn ngành nghề cho phù hợp. |