Rao bán qua mạng
Nhiều chủ trại chăn nuôi cho biết, trên các mạng xã hội như Zalo, Facebook hoặc YouTube, rao bán các loại thuốc thú y, vaccine với những lời quảng cáo trị dứt các loại bệnh trên gia súc, gia cầm và cả các loài thủy sản. Tuy nhiên, khi mua về tiêm thì gia súc, gia cầm chết hàng loạt, hoặc không khỏi bệnh. Chủng loại thuốc, vaccine đang rao bán thì nhiều như “ma trận”, hầu như loại nào cũng có.
Phóng viên Báo SGGP đã liên hệ một số trang Facebook đang rao bán công khai một loại sản phẩm được gọi là “kháng thể rụt mỏ vịt” với thương hiệu là Sinder. Khi được hỏi về nguồn gốc, chủ đại lý này cho biết, xuất xứ nhập từ Trung Quốc. Nhưng khi hỏi địa chỉ cụ thể để tới mua hàng thì đại lý không tiết lộ, mà nói sản phẩm chủ yếu được bán qua Facebook và Zalo, chỉ cần khách cho địa chỉ kèm số điện thoại, sau 2-3 ngày sẽ nhận hàng mới trả tiền. Mỗi lọ được rao với giá 500.000-550.000 đồng, rẻ hơn sản phẩm sản xuất trong nước khoảng 200.000-280.000 đồng/lọ. Trong khi, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) khẳng định, kháng thể rụt mỏ vịt Sinder đang bán trên thị trường đều là sản phẩm nhập lậu, chưa được kiểm chứng về chất lượng.
Trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử cũng có rất nhiều cá nhân đang rao bán các sản phẩm như vaccine E.coli, chữa bệnh bại huyết (do Trung Quốc sản xuất) trị các loại bệnh trên thú nuôi. Thậm chí, trên một tài khoản Facebook với hơn 23.500 thành viên có tên: “Thuốc thú y - vaccine - sỉ lẻ toàn quốc”, chuyên cung cấp thuốc thú y, vaccine và kháng sinh nguyên liệu, được rao là “tổng kho” nhập từ Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc.
Một tài khoản Facebook khác mang tên Phạm Kim Anh (ở thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), từ đầu năm 2022, liên tục đăng tải các bài quảng cáo bán buôn, bán lẻ nhiều loại vaccine có nguồn gốc từ Trung Quốc (ngoài danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam). Trước đó, tháng 8-2021, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh đã từng xử phạt 26 triệu đồng, đình chỉ hành nghề 2 tháng đối với cá nhân này vì không đăng ký thành lập hộ kinh doanh và buôn bán 2 loại thuốc thú y (thuốc kháng thể vịt Sinder và vaccine H5N1, H9N2) không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.
Siết chặt quản lý
Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi, thời gian gần đây, giá thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi tăng cao nên xảy ra tình trạng buôn bán thuốc, vaccine thú y không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, nhất là vaccine phòng dịch cúm gia cầm (H5N1 và H7N9). Tại nhiều địa phương, vài năm nay còn xuất hiện một số loại vaccine, thuốc thú y giả, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT, thủ đoạn là doanh nghiệp sản xuất, buôn bán lợi dụng hợp đồng phân phối với các đơn vị đã được cấp phép sản xuất để trà trộn thuốc thú y giả vào các lô hàng, hoặc nhập lậu các lô thuốc thú y không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được kiểm định… Điển hình là cuối tháng 7-2022, Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang đã phát hiện 2 công ty có hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc thú y giả (thuốc bột hòa tan V-T.SACOLI đặc trị tiêu chảy và thuốc bột hòa tan AV-ANTICOC đặc trị bệnh do cầu trùng) là Công ty TNHH Thương mại và đầu tư INCO VIỆT NAM (địa chỉ ở Thanh Xuân - Hà Nội) và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất thuốc thú y thủy sản Ánh Việt (huyện Nhà Bè, TPHCM).
Mặt khác, trong quá trình thanh, kiểm tra trực tiếp tại các cửa hàng, đoàn thanh tra của tỉnh Hậu Giang phát hiện các sản phẩm của Công ty CP Thuốc thú y Đất Việt (địa chỉ ở huyện Việt Yên - Bắc Giang), thuốc tẩy giun sán LEVASOL của Công ty CP Đầu tư liên kết công nghệ dược thảo SUMI-JAPAN PHARMA (địa chỉ ở quận Long Biên - Hà Nội)… được xác định là thuốc giả. Đầu tháng 8-2022, Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang tiếp tục phát hiện thêm lô thuốc thú y NYSTATIN giả của Công ty CP Thương mại thú y AGRIVIET.
Trước tình trạng trên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến vừa ký công văn số đề nghị UBND các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm soát tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc thú y, vaccine nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Bộ NN-PTNT cũng đề nghị Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đôn đốc Ban chỉ đạo 389 của các tỉnh biên giới kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc, vaccine thú y nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam; đề nghị thu hồi giấy phép, thông báo danh tính của doanh nghiệp và sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng… “Đối với những cá nhân, tổ chức buôn bán hàng lậu với số lượng lớn, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, cần chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị.
TS Nguyễn Hữu Anh, Khoa Thú y (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, theo quy định, các loại thuốc, vaccine thú y đều phải đảm bảo quy trình giám sát, kiểm định chặt chẽ về chất lượng và mức độ an toàn. Những sản phẩm nhập lậu, kinh doanh chui thường không đáp ứng các điều kiện này. Nếu bà con mua bán sản phẩm tù mù, sử dụng bừa bãi, không chỉ đối mặt với rủi ro là gia súc, gia cầm chết hàng loạt, mà việc sử dụng vaccine không phù hợp với chủng virus còn dẫn đến nguy cơ kích thích quá trình đột biến của virus, hình thành các đợt dịch mới rất nguy hiểm. |