Rác ép
Vừa dừng xe tại ngã tư đường Cao Thắng - Điện Biên Phủ chưa được 5 giây, 2 thanh niên đeo kiếng râm, khẩu trang kín mít lao ra mấy chục chiếc xe vừa dừng. Không nói không rằng, tay lăm lăm một xấp giấy màu xanh của tiệm spa nào đó, anh thanh niên chìa vào mặt người ngồi trên xe máy. Thấy người trước mặt “không cảm xúc”, anh ta nhét luôn tờ giấy vào đầu xe. Ngay sau thanh niên này là một cô gái khá trẻ, có lẽ là sinh viên, lịch sự hơn, đưa tờ giấy quảng cáo của một trung tâm thương mại, kèm cái gật đầu. Một người đi xe máy, có lẽ thương tình nên nhận tờ giấy rồi cầm hờ ở tay. Mấy chục giây sau, hết đèn đỏ, các xe lăn bánh, cùng lúc từ xe của những người thương tình, từng tờ quảng cáo xanh đỏ rơi ra đường. Cứ thế, quan sát tầm 15 phút ở ngã tư, rất ít người nhận những tờ giấy quảng cáo nhét túi, phần lớn đều thả rác ra đường.
Chị Gia Hân (quận 12) cho biết, chị thường hay nhận tờ rơi quảng cáo và… nhét vào túi, đến cơ quan hay về nhà mới bỏ vào thùng rác. “Tôi thấy thương mấy người làm nghề phát tờ rơi, nhận thêm vài tờ để người ta được nghỉ sớm, chứ tôi chẳng coi qua mấy tờ quảng cáo đó làm gì”, chị Gia Hân cho biết. Phần lớn những người kiên quyết không nhận rác quảng cáo là vì không muốn thả rác xuống đường. Chị Trần Minh Nga (quận Gò Vấp) khẳng định: “Tôi không nhận rác vì không muốn tiếp tay cho hành vi xả rác, cả gia đình tôi cũng hưởng ứng theo…”.
Đó là rác trên đường, còn dạng rác quảng cáo ép người nhận khác là ở nhà để xe các khu chung cư hay trung tâm thương mại. Thay vì mất công ra đứng ở ngã ba, ngã tư phát tờ rơi, người làm công việc này chỉ cần hỏi qua ý kiến của nhân viên giữ xe, hay có thể tự ý vào các bãi xe, nhét tờ rơi vào đầu xe, chỗ baga ngay bình xăng. Cứ thế rác theo xe bay mọi ngả đường thành phố.
Rác treo
Ở hầu khắp các tuyến đường, các thể loại rác quảng cáo đều được dán đầy trên các cột điện, cột biển báo giao thông, cột đèn giao thông, bờ tường nhà dân và cả các hộp đựng công tơ điện, các trạm biến áp, tủ phân phối điện được đặt ven đường, các tủ thiết bị điện vừa được TPHCM đầu tư thực hiện trong đề án chỉnh trang thành phố, chuyển gần 5.000km dây điện, thông tin viễn thông xuống lòng đất, xây dựng các tủ thiết bị điện đặt giữa làn ranh 2 nhà, công trình…
Gần như tất cả nhu cầu cần quảng cáo không mất tiền đều được treo, máng, dán vô tội vạ, từ tuyển nhân viên bán hàng, thợ may gia công, thợ thêu vi tính, đến dạy học Anh văn cấp tốc, bán đất, bán nhà mới xây, cho thuê phòng trọ, cho vay trả góp, tìm giấy tờ, hút hầm cầu, áp phích các chương trình ca nhạc… Trong đó, nhiều mẩu quảng cáo còn được ép nhựa, in trên giấy lụa để chống rách, ướt mưa, phai màu vì nắng. Không chỉ dán tất tần tật các quảng cáo trên các cột, mặt phẳng dễ nhìn thấy, nhiều thông tin quảng cáo còn treo, dán ngang nhiên che cả biển báo giao thông nguy hiểm dọc hai bên đường.
Những người có nhu cầu quảng cáo đa số là những người làm kinh doanh nhỏ lẻ. Hiệu quả của hoạt động quảng cáo rẻ tiền và bừa bãi này chưa thể thống kê được nhưng hậu quả trước mắt chính là khiến đô thị bị bôi bẩn, kém mỹ quan, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nếp sống văn minh của cộng đồng dân cư.
Theo Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 121 và Nghị định 158 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch: Phạt tiền đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng. Từ 1 - 2 triệu đồng đối với người treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; từ 5 - 10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo. |
Từng có thời điểm khắp các quận huyện trên địa bàn TPHCM tích cực ra quân dẹp quảng cáo rác trong hoạt động chung của phong trào “Ngày chủ nhật xanh”. Các đoàn thể đặc biệt là các đoàn viên thanh niên đã tích cực tham gia tuyên truyền, trồng cây xanh, làm vệ sinh môi trường, xử lý và làm giảm dần tình trạng nhếch nhác vì quảng cáo rác trên các cột điện, cột đèn. Tuy nhiên, sau một thời gian, phong trào hạ nhiệt, tình trạng quảng cáo bừa bãi lại tái diễn, mở rộng phạm vi, hình thức, bất chấp cả việc vi phạm pháp luật.
Không thể trông chờ vào các “Ngày chủ nhật xanh” để khắc phục nạn treo rác nơi công cộng. Vấn đề ở đây là xử phạt như thế nào để đủ sức răn đe đối với những người chủ tâm bôi bẩn thành phố. Phần lớn các địa phương đều than không có lực lượng tuần tra xử phạt, bởi xử phạt hành vi này cần thiết phải “bắt tận tay”. Tuy nhiên, đó có phải là một câu trả lời xác đáng, nhất là khi thực trạng quảng cáo rác tràn lan, phản cảm, nhếch nhác, vi phạm an toàn đô thị, đã và đang tồn tại, đi ngược lại với mục tiêu xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.