Ngang nhiên lấn chiếm
Sông Son đoạn chảy qua xã Sơn Trạch là một phần trong hồ sơ di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng. Tuy nhiên, hiện có hàng chục hộ dân tự ý đổ đất lấn chiếm sông, băm nát bờ tre vốn để chống sạt lở, cản dòng chảy của lũ lụt. Ông Nguyễn V.N. cho biết: “Chúng tôi phát hiện hàng chục hộ dân lấn chiếm, phản ánh lên xã nhưng xã chỉ làm cho có chứ không cưỡng chế, không bắt trả lại hiện trạng, khiến kẻ lấn chiếm làm càn, xem thường kỷ cương luật pháp”.
Trên một đoạn sông dưới chân cầu Xuân Sơn, người dân chỉ nhiều nền đất đổ sẵn, lấn sông, chặt cả bờ tre lâu năm. Một cán bộ hưu trí cho biết: “Ở đây nhiều hộ dân ra lấn đất sông trái phép, một thời gian sau họ làm cách nào không biết mà địa chính xã, địa chính huyện cho hợp thức hóa, cấp sổ đỏ, khiến ai cũng bức xúc”. Người dân cũng phản ánh, các hộ dân lấn đất thường là những người có “máu mặt” trong địa phương, khi bị phát giác hoặc có người phản ánh thì hù dọa.
Không chỉ để một số hộ dân lấn đất vô tổ chức ven sông Son, UBND xã Sơn Trạch còn để 10 trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp, trái quy định, vi phạm luật đất đai. Mặc dù Thanh tra huyện Bố Trạch đã chỉ ra sai sót và cần khắc phục ngay nhằm ngăn chặn tình trạng bát nháo ở vùng bộ mặt di sản Phong Nha - Kẻ Bàng từ năm 2016, nhưng đến nay xã Sơn Trạch vẫn thờ ơ, vô cảm. Không chỉ có vậy, thanh tra huyện còn chỉ rõ sai phạm của UBND xã Sơn Trạch đã giao đất không đúng quy hoạch chi tiết tại thôn Xuân Tiến, tiếp tay cho việc xây dựng bát nháo, dẫn đến sai phạm tiếp tục diễn ra. Bản kết luận số 1811 của thanh tra huyện cũng xác định, trên địa bàn xã có 3 hộ được huyện giao đất và cấp GCNQSĐ nhưng vẫn chưa nhận được đất trên thực địa, vì UBND xã không chịu giải phóng mặt bằng mà đưa ra đấu giá.
Nghiêm trọng hơn, có hộ dân Lê Xuân Bách khai hoang phục hóa đất Cồn Vịnh ở thôn Cù Lạc 1, nơi địa thế khuất núi, nhưng có 8 đối tượng cho xe máy vào phá cơ sở hạ tầng của ông Bách, đưa máy ủi vào san gạt trái pháp luật. Ông Bách nói: “Tôi khai hoang phục hóa được thôn và xã thông qua, giấy chứng nhận đầy đủ, vậy mà các đối tượng trong xã cứ vào lấn chiếm ngang nhiên. Gia đình tôi đã có đơn thư gửi lên xã, huyện nhưng đến nay chưa được giải quyết thỏa đáng”.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Bình, khẳng định, sở sẽ cho kiểm tra tình trạng xây dựng bát nháo, vi phạm quy hoạch, lấn chiếm đất công để có biện pháp kiềm tỏa vấn đề, không để xảy ra tình trạng nóng, bị động, bất ngờ dẫn đến hậu quả khó lường về sau. |
Xã có đồng lõa?
Để xảy ra hàng loạt sai phạm này, ông Nguyễn Công Trứ - Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch, đã bị Ban Thường vụ Huyện ủy Bố Trạch kỷ luật cảnh cáo, cho thôi chức Chủ tịch UBND xã, nhận nhiệm vụ Chủ tịch MTTQVN xã; ông Mai Hữu Thọ - Phó Chủ tịch HĐND xã Sơn Trạch; bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, ông Hồ Hà Tuyên - cán bộ địa chính xây dựng xã Sơn Trạch, bị kỷ luật khiển trách.
Sau ông Trứ, ông Nguyễn Nam Trung - Giám đốc Trung tâm Tư vấn huyện Bố Trạch, đã được điều chuyển lên làm Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch. Tuy vậy, tình trạng lấn chiếm đất xây nhà hàng, nhà trọ, cơ sở kinh doanh… không có giấy phép vẫn đang tiếp diễn và có phần nghiêm trọng hơn trước, khiến danh thắng Phong Nha - Kẻ Bàng bị “băm nát”. Theo một cán bộ xã Sơn Trạch (đề nghị không nêu tên) nói: “Tình hình vi phạm đất đai, xây dựng tại bộ mặt di sản Phong Nha - Kẻ Bàng ngày càng trầm trọng hơn trước mà Chủ tịch UBND xã mới không có biện pháp cương quyết nên 2 đời chủ tịch xã không giải quyết được gì”.
Nhiều lần thoái thác với báo chí bằng cớ bận họp hành, ông Nguyễn Nam Trung - Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch, mới gặp chúng tôi và thừa nhận có tình trạng vi phạm lấn chiếm đất đai trên địa bàn xã quản lý. Vi phạm thì nhiều nhưng ông Trung cũng chỉ lập biên bản 1 trường hợp, còn hàng chục trường hợp khác ông Trung “lờ” đi. Trước việc dư luận cho rằng có sự bao che cho xây dựng trái phép tại bộ mặt di sản, ông Trung biện hộ, do mới nhậm chức chưa lâu và hiện đang báo cáo huyện để huyện có phương án xử lý. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hòa, nguyên Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch (đã về hưu), nói: “Thời tôi làm Chủ tịch UBND xã (những năm 2000) đều cương quyết với tình trạng lấn chiếm đất ngay từ đầu, cưỡng chế ngay từ đầu, nên không phức tạp như bây giờ. Bây giờ tình hình lấn chiếm đất công, đất dân đang diễn ra nghiêm trọng”.