Bát nháo chuyện đánh giá phim trên mạng

Các trang mạng xã hội đang ngày càng nở rộ video ngắn tóm tắt phim. Núp dưới mác đánh giá (review) phim, các video này không chỉ vi phạm bản quyền mà còn chứa đựng các nội dung sai lệch so với nội dung gốc, tác động xấu đến trải nghiệm của khán giả, kéo thụt lùi hướng phát triển của nền công nghiệp văn hóa.

Biến tướng của review phim

Bản chất việc chia sẻ cảm nhận hoặc trải nghiệm (qua việc phân tích kịch bản và nhân vật, đánh giá về mặt kỹ thuật như kịch bản, cách quay...) chủ quan của người đã xem bộ phim, trên Facebook, YouTube... hiện đang xuất hiện nhan nhản các video núp bóng hình thức review phim, tóm tắt nội dung với hình ảnh được cắt ghép từ bộ phim gốc bằng giọng thuyết minh AI. Để kích thích sự tò mò, những video này chỉ tập trung vào những tình tiết khiến bộ phim quy giản lại chỉ còn là một chuỗi sự kiện giật gân nối tiếp nhau, đôi khi tình tiết bị tách khỏi bối cảnh khiến nội dung phim gốc bị bóp méo. Bị cho là xâm phạm bản quyền, hoạt động bất hợp pháp, thế nhưng, những kênh review phim như Review thuê Spoiler, Cuồng phim review, Trùm phim review…, vẫn sản xuất nội dung công khai, thu hút hàng trăm ngàn lượt xem video trên YouTube, Facebook.

i6A.jpg
Nhiều kênh review phim vi phạm bản quyền vẫn ngang nhiên tồn tại

Lý giải về sự nở rộ của hiện tượng này, PGS-TS Hoàng Cẩm Giang, trưởng Bộ môn Nghệ thuật học (Khoa Văn học), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, cho biết: thời đại này, các sản phẩm giải trí đang phát triển theo hướng nhanh và ngắn gọn để thỏa mãn nhu cầu giải trí của công chúng trong bối cảnh quỹ thời gian đang ngày càng bị thu hẹp do áp lực của công việc. Khi điều kiện sống và lao động của công chúng thay đổi thì các nhà tư bản truyền thông giải trí cũng thay đổi cách thức sản xuất và cách thức tạo ra sản phẩm để tối ưu hóa việc tiêu thụ, kiếm được nhiều tiền nhất trong thời gian ngắn nhất với công sức bỏ ra ít nhất.

Review phim trá hình như hiện nay còn làm lộ tình tiết quan trọng của phim, ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm xem của công chúng. Bất bình trước thực tế này, Hồng Nhung (22 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã từng rất xúc động khi xem phim Ba chàng ngốc (Ấn Độ). Vì thế, khi bắt gặp nhiều video review phim này trên Facebook, tôi cảm giác sốc khi thấy ý nghĩa nhân văn của bộ phim bị xóa mờ khi người làm review cắt gọt quá đà nội dung, hình ảnh đi kèm với lời thuyết minh AI sai lệch với bản gốc”. Và đó cũng là câu chuyện chung hiện nay, cứ bộ phim nào mới nổi, các review trá hình lại nhanh chóng sản xuất các bản review phim và đăng tải công khai trên mạng xã hội. Nếu chỉ xem những review này thì chắc chẳng ai còn ham muốn đến rạp nữa, trong khi thực tế nội dung phim rất hay, nhiều ý nghĩa.

Và nếu chỉ cảm nhận phim qua những review phim như vậy, người xem đã vô tình tiếp tay cho việc đánh cắp ý tưởng, khiến nhiều tác phẩm điện ảnh không đến được với khán giả một cách chính danh, trọn vẹn.

Xử lý mạnh tay với nạn xâm phạm bản quyền

Hiện tượng review phim dưới dạng tóm tắt, bóp méo nội dung gốc là một trong những nguyên nhân khiến phim ra rạp ngày càng kén khán giả đến xem. Điều này ảnh hưởng đến doanh thu của nhà sản xuất, thậm chí dẫn đến sự thua lỗ. Nhà làm phim trẻ Đoàn Sĩ Nguyên bày tỏ: “Sự nở rộ review phim trá hình là điều đáng buồn và đầy thách thức với nghệ thuật điện ảnh hiện nay. Chúng tôi cố gắng sản xuất ra những bộ phim thật sự giá trị để thu hút, kéo công chúng đến rạp xem phim, nhưng chỉ vài review nhảm nhí, cắt ghép nội dung lại khiến khán giả hiểu sai, không đến rạp nữa”.

PGS-TS Hoàng Cẩm Giang phân tích: “Theo chủ trương xây dựng nền công nghiệp văn hóa của nhà nước, những ngành nghệ thuật như âm nhạc, sân khấu điện ảnh, văn học là một phần của nền kinh tế thị trường văn hóa. Kinh tế văn hóa khiến chúng ta phải đứng trong một luật chơi là vừa làm ngành nghệ thuật vừa làm ngành công nghiệp. Vì vậy, các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật buộc phải xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ, mạnh tay xử lý vi phạm thì phim điện ảnh của ta mới có thể tham gia vào thị trường toàn cầu được”.

Xem review phim không còn là thưởng thức nghệ thuật điện ảnh nữa mà giống như hành động tiêu thụ nhanh và tiện để lấp đầy khoảng thời gian rảnh rỗi. Nếu chỉ xem tóm tắt mà nhiều khi tóm tắt làm sai lệch nội dung, thì khán giả không tiếp nhận được tầng lớp giá trị thông điệp của bộ phim và mất đi cơ hội đối thoại với nghệ thuật. Trong nền công nghiệp văn hóa, ý tưởng, nội dung cốt truyện, hình ảnh và những yếu tố liên quan cần phải được bảo vệ bản quyền tuyệt đối để tác phẩm điện ảnh trở nên độc đáo, thu hút khán giả đến rạp xem phim.

Tin cùng chuyên mục