Bói toán công khai
Dù bói toán là hoạt động mê tín dị đoan, bị cấm, thế nhưng trong những ngày tết, các hoạt động bói toán vẫn diễn ra công khai và thu hút được rất nhiều người. Hiện nay, hình thức bói toán rất đa dạng như bói bằng xem chỉ tay, bói bài, tính tuổi, xem tướng mạo, xem chữ ký, xin xăm…, chỉ với những thông tin như vậy, thầy bói có thể phán được tất cả hậu vận, công danh, gia đình, sức khỏe, sự nghiệp, tình yêu của từng người.
Theo một địa chỉ bói toán được rao trên mạng, chúng tôi tìm đến một điểm xem bói của bà T. ở đường Thống Nhất (quận Gò Vấp). Mới hơn 10 giờ sáng nhưng trước sân nhà bà T. đã có rất nhiều người ngồi đợi tới lượt. Bên ngoài cổng lúc nào cũng có một người canh gác và đón khách. Vừa bước vào sân nhà đã thấy khói hương bay mù mịt và rất nhiều bàn cúng hoa quả được đặt xung quanh nhà.
Được hỏi vì sao tìm đến đây xem bói, chị Phương (ngụ tại quận Thủ Đức) kể: “Nghe mọi người đồn đãi rằng cô này bói bài rất hay, phán đâu trúng đó, nên đầu năm tôi cũng chạy xe từ Thủ Đức về Gò Vấp để xem vận may và tương lai của các thành viên gia đình trong năm nay; nếu có hạn thì giải hạn và tìm cách phòng tránh”.
Trong khi chị Phương và nhiều người khác đang ngồi chờ đến lượt, thì phía trên gác, bà T. ngồi xáo bài để xem bói cho một nam thanh niên. Bà T. phán: “Con tuổi Hợi, vậy năm nay là năm tuổi của con, con ra đường phải cẩn thận, rất dễ xảy ra tai nạn, nhất là vào các ngày 8 và 21. Đường tình duyên của con năm nay cũng không được thuận lợi, con và người yêu khắc tuổi và dễ sinh ra mâu thuẫn”.
Một lát sau, người thanh niên đặt “tiền mừng” 100.000 đồng, rồi bước ra với khuôn mặt đượm buồn và có chút lo lắng. Cứ thế, mỗi ngày bà T. xem cho khoảng 20 người. Khi tiếp xong người nào, bà cũng đưa một danh thiếp để về giới thiệu bạn bè, người thân đến xem bói. Một người dân sống cạnh nhà bà T. cho biết, năm nào cũng vậy, thời điểm bà T. có đông khách nhất là từ mùng 8 Tết trở đi, khi mọi người từ quê vào TPHCM làm việc hoặc sau chuyến du lịch trở về.
Chèo kéo tại nơi thờ tự
Rời nhà bà T., chúng tôi đến Lăng Ông (quận Bình Thạnh) và chứng kiến cảnh khách vào viếng Lăng Ông đều bị mời chào xem bói. Khi có khách đồng ý xem bói thì họ ngang nhiên bày bài Tây, quẻ xăm trên bàn nhựa đặt ngoài cổng sau để xem bói. Các đối tượng này thường dụ dỗ người dân cúng giải hạn, rồi chặt chém với mức giá trên trời.
Anh Nguyễn Chí Phát (ngụ tại quận 12) lắc đầu ngán ngẩm kể: “Tôi vào viếng Lăng Ông thì bị mấy người bán hương trước cổng kéo và mời chào xem bói. Khi vào, bà thầy bói chỉ hỏi sơ qua về bản thân rồi phán tôi năm nay hạn nặng, hạn đến năm 27 tuổi, nên buộc phải cúng giải hạn với số tiền lên đến cả triệu đồng. Khi thấy tôi từ chối cúng giải hạn thì bà ta liền gằn giọng đòi tiền xem bói 100.000 đồng”.
Tại chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3) thấy có rất nhiều người hành nghề bán sách tử vi. Họ ngồi la liệt từ ngoài cổng vào đến sân chùa. Ngoài việc bán sách, họ còn liên tục chèo kéo, dụ dỗ người đi viếng chùa xem bói để biết vận mệnh trong năm mới.
Xem bói đầu năm đã trở thành thói quen của nhiều người. Đừng vì mê tín mà nghe theo những lời phán vô căn cứ của thầy bói, không nên tin vào những lời dụ dỗ bỏ nhiều tiền làm lễ giải hạn, cúng bái, khiến tiền mất tật mang, không giải quyết được gì tích cực cho đời sống hiện tại. Chính quyền các địa phương cần quan tâm kiểm tra, chấn chỉnh, không để hoạt động bói toán mê tín dị đoan lộng hành.