Bát Nhã bình yên

Một ngày cuối năm thoát cảnh ồn ào của thành phố Hồ Chí Minh sôi động, chúng tôi đi lên thăm Bảo Lộc. Những con đường mở rộng, trải nhựa phẳng lì, nhiều khu nhà, chợ đang xây dựng cho thấy sẽ mọc lên một đô thị sầm uất trong tương lai ở Tây Nguyên hùng vĩ. Hoa dã quỳ, thứ hoa đặc trưng của núi rừng cao nguyên vàng rực rỡ khoe sắc. Thỉnh thoảng, chúng tôi sững sờ bắt gặp những cây trinh nữ bừng nở trong nắng chiều cao nguyên. Màu tím của những nhụy hoa li ti độc đáo này làm du khách trầm trồ ngạc nhiên lần đầu mới thấy.
Bát Nhã bình yên

Một ngày cuối năm thoát cảnh ồn ào của thành phố Hồ Chí Minh sôi động, chúng tôi đi lên thăm Bảo Lộc. Những con đường mở rộng, trải nhựa phẳng lì, nhiều khu nhà, chợ đang xây dựng cho thấy sẽ mọc lên một đô thị sầm uất trong tương lai ở Tây Nguyên hùng vĩ. Hoa dã quỳ, thứ hoa đặc trưng của núi rừng cao nguyên vàng rực rỡ khoe sắc. Thỉnh thoảng, chúng tôi sững sờ bắt gặp những cây trinh nữ bừng nở trong nắng chiều cao nguyên. Màu tím của những nhụy hoa li ti độc đáo này làm du khách trầm trồ ngạc nhiên lần đầu mới thấy.

Chánh điện tu viện Bát Nhã

Chánh điện tu viện Bát Nhã

Một buổi chiều cao nguyên bình yên. Đường vào tu viện Bát Nhã cũng là con đường đi tới khu du lịch thác Đambri nổi tiếng đẹp và hùng vĩ. Khu du lịch này cách trung tâm thị xã Bảo Lộc chừng 20 cây số. Con đường nhựa cấp 1 miền núi rộng chừng 6m bóng lưỡng, chạy uốn quanh những rẫy cà phê đang độ ra hoa, những vườn chè xanh thắm, những khu rừng thông rì rào trong gió nhẹ.

Xe chúng tôi dừng lại khi thấy phiến đá dựng bên đường chỉ dẫn đã đến tu viện Bát Nhã. Tọa lạc trên một khu đồi sát đường tới thác Đambri, thoạt nhìn, tu viện này cũng như những ngôi chùa Phật giáo ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Cổng chùa theo lối tam quan cổ kính. Bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát gương mặt hiền dịu, trắng toát đặt trên tòa sen bên phải chánh điện. Trước tu viện là một vườn chè hàng lối thẳng tắp. xanh ngắt. Ngôi chánh điện mái cong, cổ kính, uy nghi trên đồi. Đó là một tòa kiến trúc Phật giáo có thờ tượng Phật Tổ to lớn như nhiều chùa khác.

Chúng tôi thong thả đi vào tu viện trong tâm thế đi vãn cảnh chùa.

– Nam-mô-a-di-đà Phật! Một vị tu sĩ từ phía vườn thông xuất hiện. Chúng tôi đáp lễ cung kính.

– Tôi là Thích Đồng Thanh - Nhà sư tự giới thiệu – Tôi tu ở đây.

Vị tu sĩ già, gương mặt hiền từ, nhẹ nhàng tiếp chuyện chúng tôi, những thập khách từ phương xa tới. Tôi nhận xét rằng tu viện đẹp quá và thật bình yên. Thầy Thích Đồng Thanh gật đầu đồng ý. Vị sư già dẫn chúng tôi vào thăm chánh điện và lễ Phật. Ở phía sau chánh điện có một bức tranh lớn vẽ một đạo sĩ. Thầy Đồng Thanh giới thiệu đó là Sư Tổ, vị Bồ tát người Ấn Độ đã đem đạo Phật truyền bá ở phương Đông. Trên kệ thờ có một số tượng và một bức di ảnh. Vị sư già nói đó là ảnh của Đại đức Thích Đồng Quang, người đã cùng ông khai phá khu đất này để lập nên tu viện từ năm 1980 và được đặt tên là Bát Nhã.

Thầy Đồng Thanh giải thích tên tu viện là Bát Nhã vì Bát Nhã là một bộ kinh quan trọng của Phật giáo. Thầy còn giảng giải cho chúng tôi về kinh Bát Nhã. Tuy chỉ gói trọn trong vài ba trăm từ, nhưng kinh Bát Nhã được gọi là Tâm kinh, giúp phật tử giác ngộ được đạo. Kinh Bát Nhã đã cô kết lại một cách trọn vẹn tất cả giáo nghĩa siêu việt của Phật giáo Đại thừa.

Nói về tu viện Bát Nhã, vị sư già kể lại:

Vào khoảng cuối những năm 1970 đầu năm 1980, tu viện An Lạc của chúng tôi ở thị xã Bảo Lộc do Thượng tọa Thích Đức Nghi làm Viện chủ gặp nhiều khó khăn. Tôi và thầy Thích Đồng Quang được Thầy Thích Đức Nghi cử đi tìm một địa điểm để tăng gia sản xuất nhằm tìm thêm chút đỉnh để góp sức cho tu viện An Lạc. Hai chúng tôi đi bộ độ gần 20 cây số từ Bảo Lộc vào, thấy một vùng đồi khá cao ráo. Xa xa có dãy núi cao như điểm tựa, lại có con thác bạc, gọi là thác Đambri, phong cảnh hữu tình.

Tuy nhiên, lúc đó đường đi lên đây chỉ là một lối mòn, chưa phải là đường nhựa đẹp đẽ như bây giờ. Địa phận này hiện nay thuộc xã Đambri, thị xã Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng. Vùng đất mà chúng tôi chọn rộng khoảng 6 ha của người địa phương. Chúng tôi gặp những người canh tác đất hỏi xin được nhượng lại thì họ sẵn sàng nhượng lại cho nhà chùa với một chút ít kinh phí của tu viện An Lạc. Sau đó chúng tôi dựng một mái nhà nhỏ, lập am thờ Phật. Lúc đầu chỉ có ảnh Phật để thờ chứ chưa có tượng Phật.

Những năm tiếp theo, tu viện mua tiếp quyền sử dụng đất, mở rộng khuôn viên để trồng chè và xây chánh điện. Nhờ lòng hảo tâm của Phật tử trong và ngoài nước, của khách thập phương bá tánh gần xa, nhà chùa xây được ngôi chánh điện này từ năm 2000.

Vị sư già nói tiếp: Các ông chắc cũng hiểu, những người tu hành như chúng tôi làm gì có tiền, lấy đâu ra tiền. Tiền hay vật chất để xây dựng chùa chiền là của phật tử hoặc những người có lòng tốt cúng dường hoặc đóng góp, kể cả công sức. Có người nói tu viện Bát Nhã được mở rộng, xây dựng to đẹp là nhờ tiền của ông Thích Nhất Hạnh gửi về. Nói thế là không đúng. Khu vực chính của tu viện Bát Nhã đã được mở rộng và xây dựng trước khi ông Thích Nhất Hạnh về đây.

Tôi nghĩ rằng, sư ông Thích Nhất Hạnh cũng không có tiền mà là tiền của khách thập phương, bá tánh ủng hộ. Quả là từ năm 2005 khi sư ông Thích Nhất Hạnh được thầy chúng tôi, Thượng tọa Thích Đức Nghi mời về thăm Bát Nhã và sau đó phái Làng Mai đã bỏ tiền ra xây dựng một số khu nhà gọi là Phương Bối am, Mây đầu núi, Bếp lửa hồng và Thiền đường. Thậm chí họ còn xây một tháp canh nữa. Sau đó, lần lượt, có đến khoảng 400 tu sinh nam, nữ nhiều nơi lên Bát Nhã theo sự sắp đặt của thầy trò ông Thích Nhất Hạnh để tu tập.

Cũng cần nói thêm là việc ông Thích Nhất Hạnh đặt tên khu nhà ba tầng cho tăng sinh ở gọi là Phương Bối am làm cho một số người hiểu lầm đây là cơ sở cũ của ông ấy khi xưa. Trước năm 1975, sư ông Thích Nhất Hạnh và sư thầy Thích Thanh Từ (hiện ở Đà Lạt) có lập một ngôi chùa nhỏ để tu ở Phương Bối, cách đây mấy chục cây số. Đến năm 1973, sư ông Thích Nhất Hạnh ra nước ngoài, còn sư thầy Thích Thanh Từ thì lên Đà Lạt. Từ năm 1982, ông Thích Nhất Hạnh lập một cơ sở tu thiền ở Pháp và được gọi là Làng Mai.

Nói về việc tu sinh theo phái Làng Mai về đây, sư Thích Đồng Thanh kể tiếp: Các thầy của phái Làng Mai mở các lớp tu. Nhiều người nghe theo sự thuyết pháp của sư ông Thích Nhất Hạnh về Bát Nhã. Thích Nhất Hạnh là một bậc cao tăng, đã viết nhiều sách và nhiều bài với những lời lẽ khác với kinh Phật. Ông ca ngợi cả đức Phật, cả chúa Jesus của Thiên chúa giáo… Ông muốn lập đạo phái của riêng mình và thường gọi là đạo Bụt.

Khác với các vị cao tăng Phật giáo thường được gọi là hòa thượng, thượng tọa, đại đức, ông Thích Nhất Hạnh được gọi là thiền sư. Các anh có thể xem trên Internet thì biết rõ điều này. Nhà nước đã tôn trọng và mời ông về thăm quê hương. Ông đã mấy lần về Việt Nam, đưa nhiều đệ tử về. Nhà nước đón tiếp trọng thị, cho đi thăm nhiều nơi và tự do thuyết pháp. Nhưng trong một lần gặp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, ông Thích Nhất Hạnh đưa ra một bản kiến nghị mà lời lẽ không còn là của một nhà sư mà là của một thuyết khách.

Biết chúng tôi có ý muốn nghe về câu chuyện tu viện Bát Nhã ồn ào ở trên mạng Internet, vị sư già Thích Đồng Thanh kể lại:

Thực ra, chuyện lùm xùm bắt đầu từ khi Làng Mai cho nhiều tu sinh về đây. Tu viện Bát Nhã là của chúng tôi, do thầy Thích Đức Nghi làm Viện chủ. Rồi có chuyện bầu Thích Giác Viên của nhóm Làng Mai làm “Viện phó”. Các thầy Đồng tu ở Bát Nhã không còn được tôn trọng như trước. Phật tử xung quanh tu viện khi đến lễ bái ở chùa không còn thấy ở đây là chốn linh thiêng như trước. Ồn ào quá. Bên ngoài cứ nói quá lên chứ chính quyền chưa can thiệp gì. Họ chỉ kiểm tra việc đăng ký tạm trú theo luật pháp và thái độ cũng rất đúng mực. Tất nhiên là người của Làng Mai tại Bát Nhã không thực hiện đúng quy định về tạm vắng, tạm trú.

Ngày 27-9-2009, nhiều phật tử trong vùng đã đến đây yêu cầu các tu sinh Làng Mai phải rời khỏi tu viện. Căng thẳng, xô xát có xảy ra, nhưng không đến mức như trên mạng rêu rao. Người ta cố tình thổi phồng, xuyên tạc sự kiện với mục đích gì thì không khó hiểu.

Sau đó, số tu sinh Làng Mai ra khỏi tu viện về tạm trú tại chùa Phước Huệ nằm trên đường Trần Phú ở thị xã Bảo Lộc. Đây là ngôi chùa lớn, nơi có đại diện của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng. Trụ trì ở Phước Huệ là Thượng tọa Thích Thái Thuận.

Tuy nhiên, do không phải là tu viện, chùa Phước Huệ không thể là nơi cư trú của hàng trăm tăng sinh như vậy. Cái ăn, cái uống còn có thể lo được, còn những chuyện sinh hoạt, vệ sinh làm sao có thể đảm bảo chu toàn được. Tôi nghe nói đến ngày 29-12-2009, số tu sinh nhóm Làng Mai đã rời khỏi chùa Phước Huệ để về nhà hoặc những cơ sở trước đây họ đi tu.

Thầy Thích Đồng Thanh nói tiếp: Tôi đã tiếp nhiều đoàn trong và ngoài nước lên thăm tu viện Bát Nhã của chúng tôi. Sự thật là như thế đấy. Mới đây, tôi được đón tiếp phái đoàn của EU do bà Phó Đại sứ Thụy Điển ở Hà Nội lên thăm và tìm hiểu thực tế. Chúng tôi cũng thuật lại đầy đủ diễn biến đã xảy ra như đã kể với các ông. Sau đó, tôi còn được biết đoàn này còn đến chùa Phước Huệ để tìm hiểu tình hình, lại gặp cả Ban đại diện Phật giáo tỉnh Lâm Đồng. Sau khi thăm Bát Nhã, Phước Huệ, Trưởng đoàn đại diện EU đã nói với Thượng tọa Thích Pháp Chiếu, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng đại ý rằng: Nếu không đến Bát Nhã tìm hiểu mà cứ tin theo những gì trên mạng Internet thì sẽ hiểu sai vấn đề. Ông Thích Nhất Hạnh đã chính trị hóa sự kiện được gọi là “pháp nạn” Bát Nhã.

– Ông Thích Nhất Hạnh chỉ nói suông thôi! – Một trong hai nữ tu già đang làm cỏ gần đấy nói chen vào. Chúng tôi tỏ ra ngạc nhiên.

– Họ biết hết cả đấy! Đại đức Thích Đồng Thanh nói thêm với chúng tôi.

Chúng tôi cảm ơn sư thầy Thích Đồng Thanh và các nữ tu ở tu viện Bát Nhã và xin phép được rời nơi đây trở lại thị xã Bảo Lộc.

Cảm giác bình yên ở tu viện Bát Nhã làm chúng tôi nhẹ lòng.

Ghi chép của THANH ĐÀM

Tự giác rời chùa Phước Huệ về nơi cư trú

Cung cấp thông tin cho các phóng viên trong nước và quốc tế tại buổi họp báo, chiều 11-1, tại Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ, ông Nguyễn Thanh Xuân cho biết: Sau khi từ tu viện Bát Nhã về ở tạm tại chùa Phước Huệ (Lâm Đồng), đến ngày 30-12-2009, những người Việt Nam tu theo pháp môn Làng Mai đã tự giác rời khỏi chùa Phước Huệ, về nơi cư trú.

Dự buổi họp báo còn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Ngọc Đông; đại diện Bộ Ngoại giao; các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội và hàng chục phóng viên thuộc các hãng thông tấn, báo chí trong và ngoài nước.

Theo thông tin của Ban Tôn giáo Chính phủ, trước tháng 6-2008, những người Việt Nam tu theo pháp môn Làng Mai được Thượng tọa Thích Đức Nghi, Trụ trì tu viện Bát Nhã (thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) bảo lãnh tu tập tại cơ sở tôn giáo này theo những khóa tu ngắn ngày. Trong quá trình đó, Làng Mai đã can thiệp vào công việc nội bộ của Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam bằng cách tự ý bổ nhiệm Phó Trụ trì tu viện Bát Nhã; tấn phong giáo phẩm cho 1 vị từ hàm Thượng tọa lên Hòa thượng mà không qua ý kiến GHPG Việt Nam và Trụ trì tu viện. Đây cũng là việc làm trái với Hiến chương của GHPG Việt Nam và pháp luật Việt Nam.

Do bức xúc bởi việc này, ngày 1-9-2008, Thượng tọa Thích Đức Nghi đã có đơn gửi GHPG Việt Nam đề nghị thôi bảo lãnh cho nhóm người trên. Giáo hội đã chấp thuận và truyền đạt ý kiến yêu cầu số tu sinh này thôi không tập trung tại Bát Nhã mà về các chùa thuộc địa phương nơi sinh sống để tu học.

Tuy nhiên, nhóm tu sinh trên đã không thực hiện vì vậy dẫn đến việc xô xát ngày 27-6-2009 giữa số người tu theo pháp môn Làng Mai và các tăng, phật tử của tu viện Bát Nhã. Đến ngày 28-9-2009, toàn bộ số người tu theo pháp môn Làng Mai mới rời khỏi Bát Nhã đến ở tạm tại chùa Phước Huệ (Bảo Lộc, Lâm Đồng), một số người khác trở về địa phương. Và đến ngày 30-12-2009, số người còn lại này đã tự rời khỏi chùa Phước Huệ, về nơi cư trú. Hiện tại chính quyền địa phương chưa nắm được tất cả số lượng cũng như nơi đến cụ thể của những người này sau khi rời khỏi chùa Phước Huệ.

Cung cấp thông tin cho phóng viên về nguyên nhân dẫn đến vụ việc va chạm giữa số người tu theo pháp môn Làng Mai và các tăng, phật tử của tu viện Bát Nhã, ông Nguyễn Thanh Xuân nói: Chính sự khác biệt về lối tu của Làng Mai với cách tu tập của tăng, phật tử của tu viện Bát Nhã theo lối truyền thống của Phật giáo Việt Nam đã dẫn đến những xung đột về văn hóa, châm ngòi cho những vụ va chạm trên.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Xuân, sau khi sự việc trên xảy ra, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam tại nước ngoài đã chủ động thông tin với Làng Mai trước 1 tháng trong chuyến công tác tại Pháp cuối tháng 9 đầu tháng 10-2009; đề nghị được gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh với mục đích trao đổi, hợp tác giải quyết vụ việc.

Tuy nhiên Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ chối với lý do đã có chương trình sang Mỹ hoạt động tôn giáo. Trong khi đó, Làng Mai còn có những thông tin sai lệch, thiếu thiện chí về vấn đề những người tu theo pháp môn Làng Mai tại tu viện Bát Nhã.

Trả lời câu hỏi của phóng viên trong nước và quốc tế về mức độ vụ xô xát xảy ra giữa số người tu theo pháp môn Làng Mai và các tăng, phật tử của tu viện Bát Nhã, ông Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Những vụ việc của tôn giáo thì để tôn giáo giải quyết, chính quyền địa phương không can thiệp. Đây chỉ là sự va chạm giữa các môn phái tôn giáo; chưa có những xô xát, xung đột gây thương tích đến mức vi phạm pháp luật hình sự. Vì vậy, cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương chưa có bất kỳ biện pháp xử lý, điều tra tư pháp nào về vụ việc này.

Ông Đông khẳng định, vụ việc trên là công việc nội bộ của các tôn giáo. Chính quyền địa phương chỉ thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự, hòa giải các mâu thuẫn theo chức năng nhiệm vụ đã được quy định.

Ông Đông cũng bác bỏ thông tin cho rằng chính quyền địa phương đã gây sức ép buộc nhóm người tu theo pháp môn Làng Mai phải rời bỏ chùa Phước Huệ. Ông Đông giải thích: Do khuôn viên của chùa Phước Huệ quá nhỏ không đủ sức chứa gần 200 tu sinh pháp môn Làng Mai cộng với những mâu thuẫn giữa nhóm người này với sư, phật tử chùa Phước Huệ và yêu cầu của GHPG Việt Nam nên Trụ trì chùa Phước Huệ đã đề nghị nhóm tu sinh pháp môn Làng Mai rời khỏi cơ sở tu tập này.

TTXVN

Tin cùng chuyên mục