Bắt người phụ nữ lập gần 120 công ty để rửa tiền

Nguyễn Thị Hương là một trong những mắt xích quan trọng trong đường dây rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền "khủng" qua biên giới. Trước khi bị bắt, Hương lập 116 công ty, doanh nghiệp ở khắp các quận, huyện và TP Thủ Đức.

Ngày 28-6, Công an TPHCM đã khởi tố, bắt giam Nguyễn Thị Hương (sinh năm 2000, ngụ tỉnh Nam Định) cùng 12 bị can khác về tội “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

NGUYỄN THỊ HƯƠNG.jpeg
Nguyễn Thị Hương tại cơ quan công an

Công an xác định Hương là một trong những mắt xích quan trọng trong đường dây rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ "khủng" qua biên giới. Hương đã đăng ký thành lập 116 công ty, doanh nghiệp có tên bằng tiếng nước ngoài. Địa chỉ đăng ký các doanh nghiệp trải đều các quận, huyện trong thành phố.

Các công ty này được thành lập từ tháng 12-2023 đến tháng 3-2024. Trong đó, tại quận Tân Bình có 22 công ty, quận Tân Phú có 15 công ty, TP Thủ Đức có 11 công ty, quận 10 có 10 công ty, quận 5 có 5 công ty…

Trước đó, ngày 2-4, Công an TPHCM nhận tin một công ty có trụ sở tại Ukraina bị một số đối tượng sử dụng địa chỉ email tương tự địa chỉ email của công ty đối tác tại Hàn Quốc để liên hệ, trao đổi giao dịch hợp đồng kinh tế mà 2 công ty đang thực hiện. Việc này khiến công ty tại Ukraina lầm tưởng, sau đó chuyển tiền vào tài khoản tại ngân hàng Việt Nam và số tiền này bị chuyển tiếp qua nhiều tài khoản khác trước khi bị chiếm đoạt.

Công an xác định, đây là băng nhóm tội phạm có yếu tố nước ngoài, do đối tượng người nước ngoài móc nối đối tượng người Việt Nam hoạt động. Trong 2 tuần, công an đã khám xét 12 địa điểm và bắt giữ 13 đối tượng liên quan và thu hàng trăm con dấu của các công ty "ma".

ĐT.jpeg
Nhóm đối tượng tại cơ quan công an

Tại công an, nhóm khai nhận đã xâm nhập email của các công ty đang trao đổi về giao dịch, hợp đồng kinh tế; tạo email giả có tên gần tương tự (chỉ khác một ký tự) với email công ty đối tác của bị hại để liên lạc và nêu lý do khách quan để thay đổi tài khoản giao dịch.

Các đối tượng ở nước ngoài chỉ đạo các đối tượng ở Việt Nam thành lập nhiều công ty “ma” có tên giống với tên công ty đối tác để mở tài khoản ngoại tệ USD, tài khoản VNĐ. Sau đó nhóm cung cấp số tài khoản của công ty "ma" để bị hại lầm tưởng mà chuyển tiền.

11.jpeg
8.jpeg
Tang vật thu giữ

Khi nhận được tiền vào tài khoản ngoại tệ USD, các đối tượng đứng tên pháp nhân công ty nhanh chóng làm thủ tục đổi sang tiền VNĐ rồi chuyển vào tài khoản VNĐ, tiếp đến, chuyển khoản vào tài khoản của các cá nhân khác tại Việt Nam.

Sau đó, nhóm rút tiền mặt ra, đem đến Cơ sở Yến Sào Kingfood (số 405A và 407A Lê Đại Hành, phường 11, quận 11) do Nguyễn Thị Thu Thủy (sinh năm 1983, ngụ quận Tân Phú), Phạm Văn Nhân (sinh năm 1980, ngụ quận 11) làm chủ và tiệm vàng Đức Long (số 296 đường Phạm Văn Hai, phường 5, quận Tân Bình) do Đỗ Viết Đại (sinh năm 1971, ngụ quận Tân Bình), Nguyễn Thị Kim Ngân (sinh năm 1977, ngụ tỉnh Đắk Lắk) làm chủ và điều hành, để thực hiện dịch vụ chuyển trái phép thành USD qua Campuchia cho đồng bọn.

Okoye Christinan Ikechukwy.png
NGUYỄN THỊ THU THỦY.png
MAI VŨ MINH.jpeg
Công an lấy lời khai các đối tượng

Điều tra xác định, các đối tượng thuộc băng nhóm trên đã trực tiếp hoặc thuê người thành lập hơn 250 công ty “ma” nhằm mở tài khoản công ty và mở hơn 700 tài khoản cá nhân phục vụ cho hoạt động phạm tội này.

Khi khám xét, công an thu 234 con dấu của các công ty "ma" đã được thành lập để sử dụng phạm tội. Khám xét tại Cơ sở Yến Sào Kingfood và tiệm vàng Đức Long thu hơn 9 tỷ đồng, hơn 1,5 triệu USD và các ngoại tệ. Tổng giao dịch hoạt động vi phạm pháp luật của tiệm vàng Đức Long là khoảng 13.000 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục