Liên quan vụ Sai phạm ở các Trung tâm Đăng kiểm (TTĐK) xe cơ giới ở TPHCM và nhiều tỉnh thành, như báo SGGP đã thông tin, đến nay, Công an huyện Nhà Bè và các phòng nghiệp vụ Công an TPHCM đã làm rõ nhiều tình tiết, thủ đoạn, trong đó có TTĐK 50-17D.
Phong và vợ là Thanh tại cơ quan điều tra. Ảnh: CHÍ THẠCH |
Công an xác định Nguyễn Thanh Phong (sinh năm 1981, ngụ quận 1) lập Công ty An Phát rồi xin giấy phép lập TTĐK 50-17D năm 2019. Vợ của Phong là Tào Huyền Thanh (sinh năm 1985, ngụ quận 1) được Phong đưa vào làm thủ quỹ TTĐK.
Phong quen biết, chơi thân với Hồ Hữu Tài (sinh năm 1971, ngụ huyện Nhà Bè). Và, Tài có vay mượn tiền Phong nhưng không có tiền trả. Sau đó, Phong đưa Tài về làm Giám đốc TTĐK 50-17D để “hùn vốn”, góp cổ phần… trả nợ dần.
Công an thi hành lệnh bắt giữ Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-17D. Ảnh: CHÍ THẠCH |
Về làm tại đây, Tài đưa Đinh Thành Trung (sinh năm 1993, ngụ huyện Nhà Bè, là con rể) làm nhân viên tại TTĐK nhưng không có hợp đồng lao động.
Đáng nói, Tài khai với công an là có đi học nhưng qua xác minh ở địa phương, Tài lại không có đi học và không biết chữ. Tài có thời gian làm công việc san lấp mặt bằng ở địa phương.
Công an khám xét TTĐK 50-17D thu giữ nhiều tài liệu. Ảnh: CHÍ THẠCH |
Từ năm 2021 đến nay, Tài và Phong "có chủ trương" cho phép các đăng kiểm viên gồm: Phan Hữu Minh, Nguyễn Trung Tín, Dương Minh Khánh (cùng sinh năm 1995), Phạm Công Danh (sinh năm 1974), Lê Tấn Thiện (sinh năm 1996) bỏ qua các lỗi vi phạm như: thắng, đèn… để nhận tiền hối lộ, kéo doanh thu về cho công ty.
Khi xe vào đăng kiểm có lỗi, các đăng kiểm viên sẽ báo cho Trung. Sau đó, Trung trực tiếp gặp chủ xe "nói chuyện" hòng bỏ qua các lỗi vi phạm và nhận tiền. Ngày 19-12, khi công an ập vào bắt giữ, Trung khai là đã nhận 19,7 triệu đồng từ các chủ xe tới đăng kiểm có lỗi.
Công an khám xét TTĐK 50-17D. Ảnh: CHÍ THẠCH |
Số tiền này, Trung đưa cho Thanh (vợ của Phong). Sau đó, Thanh lấy một nửa và đưa lại Trung giao cho Trần Thanh Vinh (sinh năm 1972, ngụ quận Bình Thạnh, là Phó Giám đốc TTĐK 50-17D).
Qua điều tra, Vinh là người chỉ đạo cho phép đăng kiểm viên bỏ qua các lỗi vi phạm cho các phương tiện để nhận tiền, chấm “Đạt” và ký giấy xác nhận đăng kiểm.
Khi nhận được tiền, Vinh chia cho Trung từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng/ngày. Số tiền còn lại, Vinh chia đều cho Minh, Tín, Khánh, Danh, Thiện.
Công an đã khởi tố Phong, Tài và 8 bị can khác về tội Nhận hối lộ và tội Môi giới nhận hối lộ. Riêng vợ của Phong, là Thanh, được cho tại ngoại chờ điều tra xử lý theo quy định.
Liên quan vụ án này, lãnh đạo Công an TPHCM cho biết, đơn vị đang tiếp tục điều tra làm rõ sai phạm xảy ra tại các TTĐK và trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra. Trường hợp nếu có sai phạm thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Công an khám xét Cục Đăng kiểm |
Theo điều tra ban đầu, từ việc phát hiện nhiều xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật (cơi nới thùng, không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn) nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, Công an TPHCM đã điều tra phát hiện dấu hiệu tội phạm tại nhiều TTĐK ở TPHCM và một số tỉnh, thành.
Từ đó, công an đã khám xét tại các TTĐK ở tỉnh Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Tiền Giang và các TTĐK ở TPHCM.
Công an đã khởi tố hàng chục bị can là giám đốc, phó giám đốc và đăng kiểm viên của các TTĐK về các tội: Môi giới hối lộ, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Giả mạo trong công tác.
Công an xác định, giám đốc các TTĐK trên chỉ đạo nhân viên trong quá trình kiểm định chất lượng, đo tiêu chuẩn khí thải, cố ý bỏ qua lỗi vi phạm của hơn 70.000 phương tiện giao thông, thu lợi bất chính gần 10 tỷ đồng.