Bước khởi đầu từ tôm hùm và bật lửa
Thông báo chung của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Ủy viên Thương mại EU Phil Hogan tối 21-8 đã thật sự gây bất ngờ giới quan sát. Truyền thông hai bên dẫn thông báo trên, theo đó, thuế quan được giảm đối với tôm hùm của Mỹ xuống còn 8%-12%, hiện kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang EU vào khoảng 111 triệu USD/năm. Đổi lại, phía Mỹ sẽ giảm một nửa mức thuế với một loạt mặt hàng nhập khẩu từ EU có trị giá 160 triệu USD/năm như ly pha lê, bật lửa dùng một lần hay thực phẩm chế biến sẵn.
Bản thông cáo chung giữa Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại Phil Hogan và nhà đàm phán của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Bob Lighthizer, cho biết, việc tự do hóa buôn bán tôm hùm và bật lửa là bước khởi đầu của một quá trình sẽ dẫn đến các thỏa thuận nhằm thúc đẩy môi trường thương mại xuyên Đại Tây Dương tự do và công bằng hơn. Dù thỏa thuận chủ yếu mang tính biểu tượng nhưng theo thông tin từ Ủy ban châu Âu thì đây là lần đầu tiên trong hơn 2 thập niên, Washington và Brussels đàm phán về cắt giảm thuế quan.
Theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chính sách cắt giảm thuế sẽ được áp dụng cho mọi thành viên của tổ chức này, và các sản phẩm nói trên đã được lựa chọn để tối đa hóa lợi ích chung giữa hai bên.
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán xuyên Đại Tây Dương diễn ra liên tục trong nhiều tháng qua nhằm nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng, thì dư luận ở Brussels đánh giá thỏa thuận này là dấu hiệu cho thấy sự thiện chí của cả hai bên.
Ưu tiên EU
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU bắt đầu nổ ra vào năm 2017, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện chính sách bảo hộ, áp thuế lên nhôm và thép nhập khẩu từ châu Âu và các đối tác khác. Căng thẳng gia tăng khi tranh cãi trong nhiều thập niên về trợ cấp cho các hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing khiến hai bên tăng cường áp thuế trả đũa lẫn nhau. Kể từ đó, những đả kích và chỉ trích giữa hai bên cứ chực chờ bùng nổ và liên tục leo thang.
Từ giữa tháng 10-2019, Mỹ đã áp thuế lên 7,5 tỷ USD hàng hóa của EU, bao gồm mức thuế với máy bay Airbus sản xuất tại châu Âu là 10%, còn rượu vang Pháp, rượu whisky, các loại phô mai, dầu olive và nhiều sản phẩm khác bị đánh thuế 25%. Đây là một lệnh trừng phạt được WTO cho phép trong khuôn khổ cuộc tranh chấp kéo dài 15 năm về trợ cấp cho 2 nhà sản xuất máy bay Boeing và Airbus. Chưa dừng lại ở đó, cuối năm 2019, Mỹ cho biết đang xem xét áp hàng rào thuế quan lên đến 100% đối với các hàng hóa châu Âu mà Chính phủ Donald Trump đã miễn trừ thuế trước đó.
Chiến lược áp thuế cho các dịch vụ kỹ thuật số (thuế Gafa) của các nước châu Âu đối với các tập đoàn công nghệ của Mỹ đã dẫn tới việc Tổng thống Donald Trump dọa sẽ áp thuế lên ô tô của châu Âu, nhất là ô tô của Đức, nền kinh tế lớn nhất EU. Bên cạnh đó, Washington còn đe dọa đánh thuế xuất khẩu vào hàng hóa từ bất cứ các quốc gia nào dự định áp dụng thuế Gafa.
Theo giới quan sát, trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan giữa Washington và Bắc Kinh vẫn chưa biết khi nào sẽ kết thúc, thì Mỹ đã chuyển sự quan tâm vào các cuộc đàm phán với đối tác quan trọng còn lại là EU. Nỗ lực giảm căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương của Mỹ được thực hiện ngay trước khi bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào cuối năm nay có thể là bước đi nhằm giúp Tổng thống Donald Trump ghi điểm trước cử tri. Ngoài ra, một thỏa thuận thương mại với EU cũng có thể mở đường cho Mỹ yêu cầu Trung Quốc phải có thêm nhiều nhượng bộ trong các cuộc đàm phán tiếp theo.