Theo đó, UBND quận Thanh Xuân đã mời chuyên gia của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội tiến hành khảo sát và quan trắc môi trường, lấy mẫu xét nghiệm đất, nước, không khí tại khu vực xảy ra cháy và các khu vực lân cận.
Cùng với đó, Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội đã lấy mẫu nước thải, nước sinh hoạt, không khí, bụi... xung quanh khu vực xảy ra vụ hỏa hoạn để phân tích, đánh giá chất lượng xem có hay không yếu tố độc hại.
Kết quả phân tích nhanh cho thấy các thông số như: vi khí hậu, nhiệt độ, bụi ở mức độ bình thường.
Trong khi đó, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đã tiến hành test nhanh các chỉ số như: thủy ngân, chì, kim loại nặng cho thấy các chỉ số đều trong ngưỡng cho phép, an toàn đối với người dân.
Nhằm đảm bảo độ chính xác cao nhất, các mẫu đất, nước, không khí tại nơi xảy ra cháy sẽ tiếp tục được đưa về phòng thí nghiệm của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường để phân tích, xét nghiệm lần cuối cùng. Kết quả sẽ sớm được thông báo về Sở Y tế Hà Nội và UBND quận Thanh Xuân.
Cũng vào chiều cùng ngày, trước sự lo lắng của người dân về nguy cơ ô nhiễm môi trường, nhiễm độc thủy ngân sau vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Bệnh viện Bạch Mai đã gặp gỡ thông tin cho báo chí về triệu chứng nhiễm độc thủy ngân và các biện pháp bảo vệ sức khỏe.
Theo ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau vụ xảy ra đã có 10 phóng viên tác nghiệp tại đám cháy và 2 người dân sinh sống trong khu vực gần đám cháy đến Trung tâm Chống độc để xét nghiệm để biết xem có nhiễm độc thủy ngân hay không. Đa số bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, tức ngực nhưng qua thăm khám lâm sàng cho thấy tình hình sức khỏe bệnh nhân vẫn ổn định, chưa có dấu hiệu gì đặc biệt.
Hiện nay, trung tâm đang tích cực tiến hành xét nghiệm máu, đây là xét nghiệm khó, mất thời gian để có thể xác định chính xác.
Lãnh đạo Trung tâm Chống độc cũng cảnh báo, nguy cơ ngộ độc lớn nhất là khi đang xảy ra đám cháy với nhiệt độ nóng cao, nếu người dân hít phải khói, trong khói có thể chứa nhiều chất kích ứng đường hô hấp, khí CO gây ngộ độc; hơi nóng cũng nguy hiểm gây bỏng hô hấp. Thời gian tiếp xúc càng lâu thì khả năng ngộ độc càng cao.
Một số yếu tố khác như chiều gió, hướng gió, nếu đứng xuôi chiều gió mà hít phải khí từ đám cháy thì nguy cơ gây độc lớn hơn. Tuy nhiên hiện nay, các thông tin về ngộ độc thủy ngân sau đám cháy hiện mới chỉ là suy luận đánh giá chứ chưa có thông tin chính thức từ các đơn vị chuyên môn.
Để khẳng định chính xác, cần phải có kiểm tra, đo lường về môi trường, chất lượng không khí, nguồn nước… Do đó, những người có nguy cơ cao như trên hoặc những người có biểu hiện bất thường như đau đầu, mệt mỏi, khó chịu, tức ngực, nôn mửa, choáng váng, tê chân tay... thì nên đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.
Đối với những người ở xa khu vực đám cháy, không tiếp xúc gần với hiện trường vụ cháy thì không nhất thiết phải đổ xô đến bệnh viện xét nghiệm gây quá tải, tốn kém chi phí không cần thiết.