Trái với dự đoán của nhiều người, một lần nữa các công trình về ắc quy lithium-ion và hiệu chỉnh gene CRISPR lại lỡ hẹn khi giải Nobel Hóa học năm 2017 lại vinh danh việc phát triển kính hiển vi điện tử nghiệm lạnh (cryo-electron microscopy) để xác định cấu trúc phân tử có độ phân giải cao trong dung dịch, giúp đơn giản hóa và cải thiện hình ảnh của các phân tử hóa sinh.
Theo công bố của Hội đồng giải thưởng Nobel ngày 4-10, vinh dự trên đã thuộc về 3 nhà khoa học: Jacques Dubochet người Thụy Sĩ, Joachim Frank người Mỹ và Richard Henderson người Anh. Nhà khoa học Jacques Dubochet đang công tác tại Đại học Lausanne, Thụy Sĩ; trong khi nhà khoa học Joachim Frank làm việc tại Đại học Columbia, Mỹ; còn nhà khoa học Richard Henderson thuộc Đại học Cambridge, Anh.
Các bản đồ sinh hóa cho tới hiện nay vẫn còn rất nhiều khoảng trống do công nghệ hiện tại chưa thể hiện được hình ảnh các cấu trúc ở cấp phân tử. Kính hiển vi cryo-electron đang thay đổi những điều này. Các nhà nghiên cứu giờ có thể đông cứng các dịch chuyển của phân tử sinh học và thể hiện bằng hình ảnh các quá trình này - điều vốn không thể trước đây. Điều này đóng vai trò quyết định trong việc hiểu hóa học của cuộc sống cũng như là thúc đẩy phát triển của y dược. Việc phát triển kính hiển vi cryo-electron cũng đóng góp quan trọng cho nhiều lĩnh vực nghiên cứu, gần đây nhất là nó giúp theo dõi virus gây nên những phá hủy não bộ của trẻ sơ sinh.
Thông báo của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nhận định: “Phương pháp này đã đưa ngành sinh hóa vào kỷ nguyên mới, vì chúng ta có thể sớm có hình ảnh chi tiết ở mức độ phân tử của nhiều cấu trúc phức tạp trong cuộc sống”. Công trình mà bộ ba nhà khoa học này thực hiện đã cho phép các nhà khoa học xem được các cấu trúc của phân tử sinh học và các tiến trình liên quan tới chúng.
Năm ngoái, giải Nobel Hóa học 2016 đã được trao cho 3 nhà khoa học gồm Jean-Pierre Sauvage người Pháp, J. Fraser Stoddart mang hai quốc tịch Anh, Mỹ và Bernard L. Feringa người Hà Lan, nhờ công trình thiết kế và chế tạo máy phân tử (máy NANO). Như vậy, tất cả các giải Nobel được công bố cho tới lúc này, bao gồm Y học, Vật lý, Hóa học, đều thuộc về các nhà khoa học nam, tổng cộng là 9 người.