Lên mạng là nhiều thị phi
Không chỉ dùng tài khoản ảo, tên giả để “cào phím”, bắt nạt trên mạng bây giờ còn có nhiều hình thức phức tạp, công nhiên. Nhiều người làm clip quay trực diện gương mặt mình để nêu ý kiến, mở livestream (phát trực tiếp) theo lịch để đàm luận thị phi, lập nhóm lên kế hoạch “quậy” người bị bắt nạt... Nhân vật “xấu số” không phải kẻ thù riêng hay làm ảnh hưởng đến ai ngoài đời thật, họ được “lên thớt” có khi chỉ vì vướng phải một lùm xùm nào đó.
Trung tâm của tấn công mạng những ngày gần đây là một nữ ca sĩ lấy chồng đại gia. Ca sĩ này có kinh doanh và hàng ngày đều đăng clip sinh hoạt vui vẻ của mình và 3 con gái (bé lớn nhất mới 10 tuổi) lên mạng, một phần cũng để quảng cáo thương hiệu cá nhân. Gần 1 tuần nay, dân mạng ồ ạt tấn công cô này sau khi cô đưa lên mạng thông tin bị sẩy thai.
Phạm Hoa (35 tuổi, ngụ TPHCM) kể lại trải nghiệm lướt TikTok những ngày này: “Cứ 5 clip là thấy 1 clip người ta chửi chị ấy. Mình xem cũng thấy một số việc chị ấy làm hơi quá thật, nhưng nếu ai có bức xúc thì trước một người vừa mới mất con cũng đâu nhất thiết phải nói ra. Nhiều bạn nam còn quay cả loạt clip cười nói rất hào hứng, hả hê… trước nỗi đau của chị ấy”. Chị Hoa nói thêm: “Có thể người mẹ không được lòng cộng đồng mạng, nhưng câu chuyện này vốn rất buồn, không thể chia sẻ nỗi đau thì cũng chẳng nên thể hiện sự nhẫn tâm đến như vậy”.
Không cần là người nổi tiếng, thuật toán của TikTok rất “nhạy”, sẽ đẩy kênh của bất cứ người bình thường nào lên khi bắt đầu có nội dung gây tranh cãi. Cách nay hơn tháng, dân mạng “nổi cồn” vì một kênh (gồm bố và 1 con trai, 1 con gái) làm TikTok nội dung sinh hoạt gia đình, trong đó những thành viên hay ngồi sát, có hành động thân mật đến phản cảm. Mọi chuyện đang dừng ở những bình luận phản đối thì người bố lại đăng lên facebook cảnh ông đứng bên một tác phẩm nghệ thuật khỏa thân.
Thế là một “chiến dịch” cắt ghép clip cũ của gia đình này, quay clip săm soi vấn đề và càng quay, càng lên xu hướng thì những hình ảnh không đẹp của gia đình càng nhân rộng. Cô con gái (vừa thi tốt nghiệp THPT) đã phải lên mạng khóc xin các anh chị đừng ném đá em nữa: “Ngày nào em cũng bị chỉ trỏ: con bé đó bị bố nó vẽ tranh nhạy cảm, rồi bàn luận người trong tranh giống em như thế nào... Bác họa sĩ cũng đã khẳng định nhân vật trong tranh không liên quan đến em nhưng mọi người cứ quyết không tin. Có lúc em chỉ muốn ngủ một giấc và không thức dậy nữa thôi”...
Bạo lực mạng không đem lại công lý
Theo nhiều chuyên gia tâm lý, buông lời ác ý trên mạng đôi khi là một cách “an toàn” mà người ta dùng để xoa dịu những căng thẳng dồn nén trong thời gian dài, bởi nạn nhân gần như không thể phản công. Đó là một trong những lý do ranh giới về đạo đức, các quy tắc ứng xử được nới lỏng hơn, người dùng trên mạng có xu hướng làm những điều họ không thể làm khi gặp vấn đề trực tiếp ngoài đời sống.
Minh Phương (30 tuổi, nhân viên truyền thông) kể: “Em tôi là nạn nhân của bạo lực học đường suốt những năm cấp 2 và điều đó ám ảnh em tôi cho đến khi vào đại học. Em tôi có facebook, nhưng không dám để ảnh đại diện, không dám đăng gì gần 10 năm. Ấy thế mà loạt chia sẻ đầu tiên em đăng lại là… chửi tôi, dù ở chung nhà. Lúc đó tôi không hiểu mình có lỗi gì vì những mâu thuẫn nếu có cũng chỉ là bình thường, như mọi anh chị em khác. Tôi cũng giận nhưng đành nén để tránh làm gia đình lục đục. Phải mãi sau, khi em phải đi khám bác sĩ tâm lý, tôi mới biết đó là cách để em mình “xả” ra mọi thứ sâu xa trong lòng”.
Mạng xã hội ngày nay đang phát triển theo hướng nội dung tự động “nhào” đến, lôi kéo, vồ vập tranh giành sự chú ý của người xem. Thậm chí bây giờ vào mạng, ở các khung gợi ý tìm kiếm luôn tràn ngập các thông tin về những vụ thị phi. Phạm Phúc (27 tuổi, ngụ TPHCM) tâm sự: “Khi giải trí, tôi kỳ vọng mình được thoải mái, nhẹ nhàng. Nhưng lên mạng toàn thấy chuyện trái tai gai mắt nên cũng tham gia bình luận. Dần dần, không biết tự bao giờ, tôi bị cuốn đi, các bình luận, ý kiến dần không phải để giúp người khác tiến bộ mà giống như để miệt thị, đẩy người khác xuống bùn, vui mừng khi thấy họ tệ hơn… Phải đến khi một người thân tôi rơi vào hoàn cảnh đó, tôi mới giật mình, kinh sợ chính bản thân. Từ khi nào tôi trở nên tồi tệ như vậy, khiến người khác đau khổ thì ích gì cho mình? Từ đó, chỉ trừ những vấn đề liên quan trực tiếp, còn lại tôi đều chỉ xem cho biết và dù không thích, có quan điểm khác biệt tôi đều không bình luận. Từ đó, tôi cảm thấy lòng nhẹ nhõm, thoải mái hơn rất nhiều”.