Vẫn là… kiểm duyệt
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, thành viên Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện (Hội đồng duyệt phim) mở đầu tọa đàm với câu chuyện về một bộ phim gần đây bị cấm chiếu do “có cảnh khỏa thân tập thể kéo dài giữa các nhân vật”. Chị cho biết, việc thẩm định theo hướng dẫn không thể gắn mác C18 và sau đó không có nhãn dán cao hơn.
Liên quan đến kiểm duyệt, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh so sánh nhiều phim Việt trong quá khứ từng có không ít cảnh nhạy cảm nhưng vẫn được phát hành. Anh đặt câu hỏi: “Nếu đặt trong bối cảnh hiện tại, không biết có qua kiểm duyệt hay không?”. Lần đầu được đối thoại thẳng thắn, những khúc mắc về kiểm duyệt được phơi bày.
Đạo diễn Nhật Linh tiết lộ, khi sản xuất Tiệc trăng máu, chỉ việc sử dụng những cái tên: Ngô Thanh Vân, Ngọc Trinh… trong các đoạn hội thoại cũng được yêu cầu phải xin phép “chính chủ”. Trong khi đó, Thanh Huy gặp rất nhiều áp lực và bất lực khi quyết định cắt phim Ròm để có thể ra rạp và đã “thoát hiểm trong gang tấc”.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ, yêu cầu cắt bỏ, sửa đổi diễn ra thường xuyên và thường chỉ là nói miệng, điều này đang có phần “vênh” so với Luật Sở hữu trí tuệ, Công ước Bern, và đặt câu hỏi: “Có hay không sự xâm phạm quyền tác giả?”.
Theo các nhà làm phim, nếu không thỏa hiệp, bộ phim hoặc bị cấm phổ biến, hoặc nhà làm phim rút phim về và bị “treo” do không hoàn thành thủ tục cấp phép. Nhiều nhà làm phim đề cập đến quyền hồi tố với mong muốn các phim bị cấm chiếu lại có cơ hội ra rạp.
Mong muốn của nhà làm phim là bỏ các điều cấm trong luật và thay bằng bộ tiêu chí, đồng thời có nhiều hơn sự đối thoại với Hội đồng duyệt phim. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng, làm được điều này sẽ không khiến các nhà làm phim “sống trong sợ hãi” kéo dài cả chục năm.
Nhiều nhà làm phim mong được hậu kiểm như đã áp dụng với các phim phát hành trên không gian mạng. Bởi, khi đã có tiêu chí rõ ràng và cơ chế xử phạt nghiêm khắc thì các nhà sản xuất, phát hành cũng sẻ chia trách nhiệm với Hội đồng duyệt phim.
Đồng thuận cao
Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được dự thảo đến lần thứ 8 với rất nhiều tọa đàm từ trực tiếp đến trực tuyến. Tuy nhiên, trong nhiều lần tổ chức tại TPHCM, đã có rất ít sự hiện diện của các nhà làm phim tư nhân, do đó, các ý kiến đóng góp chỉ nhỏ lẻ, chưa tạo được sự đồng thuận như sự kiện lần này. Dễ hiểu, bởi buổi tọa đàm này đã được tổ chức ngay sau những góp ý cho Luật Điện ảnh “gây bão” vừa qua.
Đạo diễn Hoàng Điệp cho biết, chưa biết sẽ đi đến đích như thế nào, nhưng các nhà làm phim sẽ bảo vệ ý kiến đến cùng. Đó là lý do sự kiện này kéo dài suốt 6 giờ với sự tham gia, theo dõi của hàng ngàn người cùng nhiều bình luận, chia sẻ sôi nổi trên mạng xã hội.
Ai góp ý giơ tay lên cho thấy các nhà làm phim đã quan tâm sát sườn đến Luật Điện ảnh để tạo nên tiếng nói phản biện đủ lý lẽ và sức thuyết phục. Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, nhờ có Luật Điện ảnh năm 2006, anh mới tự tin bước chân vào lĩnh vực này. Anh nói: “Hiểu biết và tin vào pháp luật là điều cần thiết và quan trọng. Làm sao để luôn hoàn thiện nó và phục vụ tốt nhất trên thực tiễn”.
Các nhà làm phim cũng chung nhận định, sửa đổi Luật Điện ảnh theo hướng công bằng, minh bạch không chỉ cho họ, mà còn cho chính khán giả. Đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp cho rằng: “Đó là trao quyền cho khán giả được thưởng thức trọn vẹn tác phẩm”.
Đạo diễn Nhật Linh cũng nêu quan điểm: “Nếu chúng ta làm phân loại độ tuổi, dán nhãn dựa trên nguyên tắc khuyến cáo và để tự khán giả quyết định, lúc đó mới thực sự tôn trọng họ”. Đạo diễn Hoàng Điệp cũng nhấn mạnh, khán giả Việt Nam không nằm ngoài sự phát triển của điện ảnh thế giới. Họ đang bắt kịp xu hướng, đủ trưởng thành để chịu trách nhiệm.
Và, quan trọng hơn, nói như đạo diễn Phan Đăng Di, Việt Nam sắp tới sẽ trở thành thị trường lớn mạnh nên rất cần tư duy đón đầu. Theo nhà sản xuất Trần Bích Ngọc, việc thúc đẩy hợp tác quốc tế về điện ảnh, ngoài cơ hội quảng bá văn hóa, được làm việc trong các đoàn phim chuyên nghiệp để nâng cao năng lực chuyên môn, thì cũng mang lại giá trị kinh tế lớn.
Trong bản kiến nghị được rất nhiều nhà làm phim cùng ký đồng thuận đưa ra các đề xuất: xóa bỏ các điều cấm và xây dựng bộ tiêu chí; Hội đồng duyệt phim nên có sự tham gia của nhiều thành phần, đặc biệt là các nhà làm phim thương mại; thành lập thêm Hội đồng duyệt phim tại TPHCM; quy định về tỷ lệ giờ chiếu, suất chiếu tại rạp; quỹ hỗ trợ điện ảnh… Sau sự kiện sẽ có một bản kiến nghị chính thức được tổng hợp và biên soạn để gửi tới Quốc hội trong thời gian sớm nhất. |