Điều này trước đó chưa có trong luật và nhiều cán bộ có tư tưởng “hạ cánh an toàn”. Xung quanh đề xuất này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, Bộ Nội vụ đưa ra 2 phương án để xin ý kiến việc kỷ luật cán bộ. Phương án 1, đề xuất kỷ luật tất cả cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm trong quá trình công tác nhưng đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu; phương án 2, chỉ kỷ luật từ cấp thứ trưởng, phó chủ tịch UBND tỉnh trở lên có vi phạm nghiêm trọng trong quá trình công tác nhưng đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu. Quan điểm của ông thế nào về 2 phương án này?
>> Ông VŨ QUỐC HÙNG: Tôi nghĩ chọn phương án kỷ luật tất cả cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm, không trừ một ai. Kỷ luật tất cả để chỉ ra cho người đó biết được những vi phạm, không để họ sau khi nghỉ cơ quan này, công tác ở nơi khác vẫn thói “ngựa quen đường cũ”, tiếp tục có những sai phạm.
Do vậy, đã tiến hành kỷ luật thì phải đảm bảo tất cả mọi người được bình đẳng. Việc đề xuất kỷ luật tất cả cũng là biện pháp ngăn chặn các tiêu cực ở cơ sở. Đã là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thì phải mẫu mực, bất kể ở cấp nào, kể cả cấp thấp, còn cấp càng cao phải gương mẫu càng nhiều.
- Tại sao ông không ủng hộ phương án 2, tức chỉ thi hành kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức ở cấp thứ trưởng và phó chủ tịch UBND tỉnh vi phạm?
Tôi cho rằng phương án đó không khả thi. Ví dụ, với cấp huyện, có những người vi phạm khi đã nghỉ hưu họ vẫn có thể tham gia tổ chức chính trị, chính trị xã hội nào đó mà tác hại của họ có khi còn lớn hơn khi đang công tác. Do đó, nếu đã răn đe phải răn đe tất cả, đấy là một sự lành mạnh, sòng phẳng. Nếu luật đưa vào phương án 2, nhiều người cấp thấp hơn nghĩ mình đã “thoát”, như thế không thể được. Việc lựa chọn phương án 2 có thể gây nên thói “trên nóng dưới lạnh”, tham nhũng vặt, hay “trên rải thảm, dưới rải đinh”. Nếu bỏ qua phương án 1 thì rất nguy hiểm, vì mảng này thường tiếp xúc với dân nhiều. Những người làm từ cấp huyện, cấp xã, cấp phường là không thể bỏ qua trách nhiệm của mình với dân. Cho nên phải xử nghiêm, xử bình đẳng. Càng những lúc phong trào chống tham nhũng, tiêu cực lên cao như thế này phải làm cho “trên nóng, dưới cũng nóng”.
- Trong nội dung đề xuất với Chính phủ, Bộ Nội vụ cho rằng, cần tăng thời hiệu xử lý kỷ luật công chức vi phạm pháp luật (kể từ thời điểm vi phạm đến khi bị phát hiện) từ 24 lên 60 tháng. Ông ủng hộ chủ trương này?
Xảy ra tham nhũng, tham nhũng vặt, tiêu cực chính là do kỷ cương không được đảm bảo. Nhân dân ta đấu tranh với tham nhũng rất tốt, nhưng trong bộ phận nhân dân vẫn có kẻ “hư thân, mất nết”, vì không xử lý nên tiêu cực vẫn hoành hành, làm cho dân đau buồn, nên giờ phải xử lý nghiêm. Việc tăng thời hiệu xử lý kỷ luật từ 24 tháng lên 60 tháng (tương đương 5 năm), tôi thấy hợp lý.
- Trong những năm qua, ông cảm nhận được phong trào chống tham nhũng như thế nào?
Tôi nhận thấy có những bước chuyển biến tốt, không phải bằng khẩu hiệu mà bằng những việc làm rất cụ thể. Đó là sự quyết tâm của Trung ương, của Bộ Chính trị, của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, quyết tâm của các cơ quan chức năng như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ… Các cơ quan đó là thanh bảo kiếm của Đảng và Nhà nước, phải thực hiện hết nhiệm vụ, trách nhiệm của mình. Từ sau Đại hội Đảng XII, chống tham nhũng đã có những bước tiến tốt, nhưng phải tiếp tục, phải làm mạnh hơn. Những vụ việc mà thanh tra đã đưa ra phải được làm đến cùng. Đây là cuộc đấu tranh chống nội xâm để xây dựng nội bộ, xây dựng đất nước. Đấu tranh chống tham nhũng cũng như cuộc “cứu người”, những ai đã chuẩn bị hay bước vào con đường đen tối thì chúng ta kéo họ ra, đây là việc làm nhân đạo chứ không phải là những cuộc đấu đá nhau.
- Với điều kiện hiện nay, theo ông, biện pháp nào phòng ngừa tham nhũng từ xa tốt nhất?
Tôi cho rằng, việc hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức cũng là để giám sát thêm quyền lực, và cũng để nhắc những ai đã là cán bộ, là công chức, viên chức thì không thể “lơ mơ” được, cấp nào cũng phải xử lý nếu vi phạm, cấp càng cao xử lý càng nặng, càng nghiêm. Trước hết, phải xây dựng được đội ngũ những người đứng đầu, đó là người cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; đồng thời với đó là xây dựng luật, đưa ra những quy định để họ soi vào thấy được luật pháp nghiêm minh.
Song, theo tôi, điều quan trọng hơn cả là phải làm thế nào để tất cả những người đứng đầu là người không tham nhũng và là người kiên quyết chống tham nhũng. Vấn đề này cần rà soát lại từ xã đến tỉnh, mỗi đơn vị có một chủ tịch và bí thư, thì những người đó không tham nhũng và phải kiên quyết chống tham nhũng.
- Xin cám ơn ông!