Sự chung tay giữa các đơn vị phát triển bất động sản, các công trình xây dựng, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và giao thông vận tải sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng không khí tốt hơn.
Ô nhiễm không khí là một vấn đề toàn cầu. Dữ liệu thống kê cho thấy, 91% dân số thế giới đang ở những khu vực có mức ô nhiễm không khí vượt quá giới hạn đảm bảo sức khỏe do Tổ chức Y tế thế giới đề ra. Các quốc gia hiện đang chung tay theo dõi chặt chẽ tình trạng ô nhiễm không khí ở địa phương và nỗ lực để cải thiện chất lượng không khí.
Tại Vương quốc Anh, Chính phủ đã ban hành “Chiến lược không khí sạch 2019”, đưa ra danh sách những hành động có thể được thực hiện để nâng cao chất lượng không khí, giảm lượng khí thải từ phương tiện giao thông, nhà ở, nông nghiệp, công nghiệp và bất động sản thương mại.
Chiến lược này cho phép chính quyền địa phương xác định hạn mức hoạt động cho chủ sở hữu của các tòa nhà thương mại. Để khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả, Chính phủ Anh đã đưa ra sáng kiến “The Green Lease Toolkit”, một bộ công cụ nhằm hỗ trợ chủ nhà và khách thuê xây dựng chiến lược giảm khí thải carbon, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu chất thải, để hạn chế tác động lên môi trường.
Theo bà Lucy Auden, Lãnh đạo toàn cầu bộ phận Môi trường, Xã hội và Quản trị (thuộc Công ty Nghiên cứu và Tư vấn bất động sản Savills), nhận thức về môi trường trong lĩnh vực bất động sản đã trở thành một phần không thể thiếu của xu hướng tác động đầu tư.
Trên thế giới đang xuất hiện một xu hướng đầu tư có tầm ảnh hưởng (impact investing), với chủ đích tạo ra tác động xã hội hoặc môi trường, bên cạnh lợi nhuận tài chính truyền thống. Các nhà quản lý đầu tư bất động sản đã và đang dần lưu tâm hơn đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
Ở Việt Nam, theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó Giám đốc Tư vấn đầu tư Savills Hà Nội, đầu tư có tầm ảnh hưởng đã bắt đầu với bất động sản thương mại. Các đơn vị phát triển và chủ nhà đang đầu tư vào các biện pháp nhằm tăng hiệu quả tòa nhà, giảm tiêu thụ năng lượng và khí thải.
Nhiều dự án thương mại ở Việt Nam đã đạt được, hay tuân theo tiêu chuẩn của các chứng nhận xanh và hiệu quả năng lượng, trong đó LEED (Leadership in Energy and Environmental Design - Tiên phong trong thiết kế tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường) là chứng chỉ được công nhận rộng rãi nhất trên thế giới.
Đơn cử như tòa nhà Capital Place ở Hà Nội đang nhắm vào chứng chỉ LEED Gold, đã tích hợp tất cả các yêu cầu tương ứng của chứng chỉ này vào xây dựng và thiết kế của tòa nhà. Dự án văn phòng hạng A quốc tế này cam kết giảm thiểu lượng tiêu thụ nước tới 50% thông qua tái chế; giảm tiêu thụ năng lượng 13% nhờ quản lý tòa nhà hiệu quả. Bộ lọc, các vật liệu tỏa khí thải thấp và cảm biến đã được lắp đặt để duy trì chất lượng không khí tốt trong nhà.
Mặt khác, các tấm kính mặt ngoài được xử lý để giúp cải thiện chất lượng không khí bên ngoài. Hoặc các sáng kiến tiết kiệm năng lượng tương tự cũng được ghi nhận tại dự án Friendship Tower tại TPHCM. Dự án văn phòng hạng A này đã đưa ra các biện pháp để giảm tiêu thụ điện nước; giảm 85% lượng nước tiêu thụ nhờ lắp đặt các thiết bị hiệu quả, tái chế và hệ thống gom nước mưa; giảm 33% lượng năng lượng tiêu thụ sau khi cài đặt hệ thống HVAC và chiếu sáng bằng đèn led.
Bằng cách sử dụng vật liệu ít tỏa khí thải bên trong tòa nhà, Friendship Tower cũng làm giảm nồng độ các chất ô nhiễm hóa học có thể gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng không khí, sức khỏe con người và môi trường.