Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau những lùm xùm về việc san lấp ruộng muối, đất nông nghiệp để phân lô bán nền trái phép, bị chính quyền địa phương phát hiện xử lý, thời gian gần đây lại tái hiện tình trạng tương tự. Trong vai người đi mua đất, từ quốc lộ 51 chúng tôi rẽ vào đường 81 để hướng về xã Tóc Tiên (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Dọc hai bên đường là những băng rôn rao bán đất được treo dày đặc ở hàng cột điện, gốc cây; thậm chí tường rào, tường nhà dân cũng nhằng nhịt những dòng chữ và số điện thoại rao bán đất được phun bằng sơn đỏ lòe loẹt.
Đi chừng 6km, dừng lại trước một khu đất được cho là DA Tóc Tiên Vilage, do Công ty BĐS Thái Sơn Real (trụ sở tại TPHCM) làm chủ DA và phân phối 54 nền đất, chúng tôi được một người tên Đạt tự xưng là nhân viên công ty này cho biết, hiện chỉ còn một số nền diện tích lớn, từ 500 - 1.000m2 được chào bán với giá thấp nhất khoảng 900 triệu đồng/nền; đồng thời cam kết nhiều ưu đãi hấp dẫn cùng lợi nhuận kèm theo khi đặt cọc ngay 50 triệu đồng để giữ nền.
Rảo qua nhiều tuyến đường của thị xã Phú Mỹ, TP Bà Rịa, huyện Long Điền và huyện Châu Đức cũng thấy xuất hiện nhiều DA tự vẽ ra vẫn đang được công khai mua bán nhưng chưa bị xử lý.
Tại địa phương khác như Xuyên Mộc, Đất Đỏ…, giá đất cũng bị thổi lên gấp 2 - 5 lần và lượng giao dịch tăng cao gấp đôi so với tháng trước. Riêng tại TP Vũng Tàu, mặc dù giá đất tăng chóng mặt nhưng do quỹ đất không còn nhiều nên hầu như đất chỉ dành cho những DA lớn phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp vẫn diễn ra rầm rộ ở một số địa phương như Biên Hòa, Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch... Nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tách thửa, chuyển mục đích và phân lô, bán nền.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã đưa ra các quy định nhằm hạn chế tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp nhưng rất khó khăn. Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, để diễn ra tình trạng trên là do các địa phương chưa quản lý chặt và có thể phá vỡ quy hoạch chung.
Cẩn trọng khi giao dịch
Theo khảo sát, tình trạng sốt đất đang lan rộng khắp nhiều địa phương ở khu vực Đông Nam bộ, trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai là 2 địa phương rất nóng tình trạng này.
Nguyên nhân khiến BĐS lên cơn sốt là do một số DA trọng điểm như cao tốc Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến tránh TP Bà Rịa… sắp hoàn thiện hoặc chuẩn bị khởi động; các DA du lịch biển, trung tâm dầu khí, cảng biển đang được triển khai, cùng làn sóng các nhà đầu tư BĐS dịch chuyển từ TPHCM đổ về.
Bên cạnh đó, giới đầu cơ thu gom đất rồi thổi phồng thông tin tiến độ DA hoặc tiến độ hạ tầng kỹ thuật chung để đánh vào tâm lý của người mua đất, tạo “sóng to” trên thị trường BĐS khiến giá đất tăng nhiều lần so với giá trị thực để móc túi người dân.
Lợi dụng cơn sốt đất, một số đối tượng đã làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để mua bán, chuyển nhượng đất cho người khác và sự việc này đã xảy ra tại thị xã Phú Mỹ.
Theo một điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết cơ quan này đang điều tra, xử lý nhiều vụ làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan nhà nước liên quan tới giao dịch đất đai.
Các loại giấy tờ được làm giả rất tinh vi, khó phân biệt bằng mắt thường và đa số trường hợp lừa người mua bằng sổ đỏ giả thường bán thấp hơn giá thị trường.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng một số nhà đầu tư chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, kinh doanh BĐS.
Việc làm này gây khó khăn cho công tác quản lý, tiềm ẩn rủi ro, ảnh hưởng đến thị trường BĐS và quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, dù UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp, chủ đầu tư các DA xây dựng nhà ở, kinh doanh BĐS thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng.
Về phía chính quyền các địa phương cũng cần khuyến cáo người dân khi mua đất nên đến cơ quan chức năng để kiểm tra lại sổ mục kê, bản đồ địa chính nhằm tránh mua phải đất nông nghiệp, không đúng quy hoạch, gây thiệt hại tài sản và nảy sinh tranh chấp kiện cáo.