Những nhà đầu tư đến từ Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, đặc khu Hồng Công và Trung Quốc đang dẫn đầu về hoạt động đầu tư ở khắp các phân khúc tại thị trường BĐS Việt Nam. Thông qua việc kết hợp với các nhà phát triển trong nước, danh mục đầu tư đến từ những quốc gia này đang ngày càng mở rộng. Đối với họ, Việt Nam có hơn 100 triệu dân với cơ cấu dân số trẻ và thu nhập bình quân đầu người đang tăng đáng kể, sẽ là cơ hội tốt để đầu tư vào thị trường BĐS vô cùng hấp dẫn này. Và tùy theo từng góc nhìn chiến lược, mỗi nhà đầu tư sẽ chọn phương thức tiếp cận hoặc lĩnh vực đầu tư khác nhau, dù trong cùng ngành địa ốc. Trong khi Singapore với các tên tuổi như CapitaLand hay Keppel Land, tập trung nhiều ở phân khúc căn hộ, nhà ở (vì lý do về sự dân số trẻ đồng hành cùng sự gia tăng nhu cầu nhà ở) thì các nhà đầu tư Hàn Quốc lại ưa chuộng mảng bán lẻ, với hàng loạt dự án siêu thị đồng giá, trung tâm thương mại tập trung tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng.
Thị trường Việt Nam đang được các nhà đầu tư Hàn Quốc đánh giá có bước phát triển tương đồng với quốc gia này cách đây vài thập niên và sở hữu nhiều cơ hội đầy hứa hẹn. Đối với nhà đầu tư Nhật Bản, thị trường BĐS Việt Nam cũng được chú ý bởi sức hấp dẫn từ dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh và đẩy mạnh xu hướng đầu tư văn phòng và gần đây là sự tham gia vào lĩnh vực bất động sản nhà ở. Theo họ, tốc độ phát triển của nền kinh tế và nguồn lao động dồi dào chính là những nguyên nhân thuyết phục các doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực dự án văn phòng, với kỳ vọng vào khả năng phát triển lâu dài, bền vững.
Theo các chuyên gia BĐS, Việt Nam là thị trường đầy lực hút trong lĩnh vực BĐS nên các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ châu Á, không dễ dàng bỏ qua thị trường này. Nhận định về dòng vốn ngoại đổ vào thị trường BĐS Việt Nam, nhiều ý kiến cũng cho rằng, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đem lại thêm nguồn lực phát triển bổ sung, giúp đẩy nhanh hơn quá trình tăng trưởng của Việt Nam. Cùng với dòng vốn nội, nền kinh tế sẽ được hưởng lợi thuần túy từ sự hiện diện của một dòng vốn lớn chung. Bên cạnh đó, sự hiện diện của các nhà đầu tư ngoại còn đem tới thị trường những chuyên môn, kinh nghiệm phát triển ở tất cả các lĩnh vực và phân khúc.
Như vậy, thị trường BĐS Việt Nam sẽ “tương thích” hơn nữa với các nước phát triển trong khu vực. Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), các nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng mạnh nguồn vốn FDI vào thị trường BĐS có thể kể đến như Nhà nước đã thay đổi chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh BĐS, nhà ở, cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư kinh doanh BĐS tương tự nhà đầu tư trong nước; nhà đầu tư nước ngoài được tham gia vào quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc điều hành Savills Việt Nam, cho rằng chính nền kinh tế vĩ mô phát triển ổn định đã thúc đẩy tốc độ tăng trưởng thị trường BĐS trong nước theo chiều hướng tích cực và thu hút dòng vốn FDI mạnh mẽ. Nhìn chung, mức sinh lợi cao luôn là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư, khi so sánh thị trường Việt Nam với khu vực. Tỷ lệ lợi tức cho thuê trên tổng tài sản hợp lý, cùng với hệ số lãi sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao. Đồng thời, việc giảm thiểu tình trạng “rủi ro quốc gia” sẽ thu hút được lượng lớn vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam.